Ăn nhầm gói hút ẩm trong hộp trái cây sấy, bé gái nhập viện cấp cứu
Phát hiện bé gái (gần 5 tuổi, trú tại Vĩnh Long) ăn nhầm gói hút ẩm trong hộp sấy trái cây nên người nhà đã nhanh chóng đưa bé tới bệnh viện kiểm tra.
Ngày 15/12, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á (Vĩnh Long) cho hay, đơn vị này vừa tiếp nhận cấp cứu bé gái N.B.N. (gần 5 tuổi, trú tại Vĩnh Long) ăn nhầm gói hút ẩm trong hộp trái cây sấy.
Theo gia đình bệnh nhi, sau khi phát hiện bé N. ăn nhầm gói hút ẩm trong hộp trái cây sấy, người nhà đã nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện kiểm tra. Tại bệnh viện, các bác sĩ nhanh chóng xác định loại độc chất bé ăn phải là gói hút ẩm trong hộp trái cây sấy.
Ngay sau đó, bệnh nhi được rửa dạ dày thật kỹ nhằm loại bỏ tối đa độc chất ra khỏi cơ thể, theo dõi sát tình trạng sức khỏe của bé. Theo các bác sĩ, nhờ được đưa đến bệnh viện kịp thời nên may mắn những trường hợp đáng tiếc không xảy ra với bé. Sau 2 ngày điều trị, bé khỏe và được xuất viện.
Hiện nay trên thị trường có 3 loại chất hút ẩm chủ yếu
Trao đổi với VTV News, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Xuyên Á cho hay, hiện nay trên thị trường có 3 loại chất hút ẩm chủ yếu là: Silica gel, hạt hút ẩm Claybentonic và bột hút ẩm Canxi clorua. Các chất hút ẩm thường được chứa trong gói nhỏ. Vì vậy, trẻ nhỏ dễ dàng xé rách các gói này để nghịch phá, thậm chí nuốt phải.
Hạt hút ẩm Silica gel - một dạng oxit slilic được sử dụng phổ biến nhất hiện nay, các hạt này không thể tiêu hóa được, do đặc điểm hút ẩm khá mạnh nên nếu nuốt phải có thể dính vào các niêm mạc, gây tổn thương niêm mạc, thậm chí nếu nuốt số lượng lớn có thể gây tắt ruột.
Những gói hút ẩm không rõ nguồn gốc có chứa canxi clorua - dạng bột màu trắng, rẻ tiền, có nhiều tạp chất, hút ẩm mạnh, trẻ nuốt phải sẽ gây ra cảm giác cháy bỏng miệng, viêm loét môi, lưỡi và thực quản rất nguy hiểm.
Do đó, các bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh nên chú ý một số biện pháp phòng tránh và xử trí ban đầu ngộ độc nhằm bảo vệ con em mình khỏi những tình huống gây đe dọa tính mạng và ảnh hưởng sức khỏe của trẻ.
Trẻ nhỏ 3 tuổi trở lên, đã có thể nghe hiểu và ghi nhớ lời người lớn, do đó thỉnh thoảng cha mẹ nên dạy con những kiến thức cơ bản việc nên và không nên ăn gì. Bên cạnh đó, người lớn cất giữ những hóa chất gia dụng ở nơi an toàn, tránh xa tầm tay trẻ nhỏ. Cho trẻ ăn các loại thực phẩm có hóa chất bảo quản phải loại bỏ không để trẻ tiếp xúc hoặc cầm nắm chơi.
Ngoài ra, khi phát hiện hoặc nghi ngờ các bé uống, ăn nhầm hóa chất, thuốc, các chất độc... cần nhanh chóng đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất kèm theo loại thuốc, hóa chất đã phát hiện để các bác sĩ xử trí cấp cứu nhanh chóng và kịp thời. Không nên tự ý xử trí tại nhà vì mỗi loại thuốc, độc chất sẽ có cách xử trí khác nhau, nếu can thiệp không thích hợp có thể làm nặng thêm tình trạng của bé.