Ăn cây dương xỉ giúp người phụ nữ sống sót 7 ngày, chuyên gia nói gì?

04-05-2022 10:53:43

Theo chuyên gia, cây dương xỉ và củ lạc tiên không mang lại giá trị dinh dưỡng gì đặc biệt nhưng các loại cây này đều có thể ăn để duy trì sự sống nếu chẳng may bị lạc trong rừng hay rơi xuống vực như bà Liên.

Câu chuyện bà Nguyễn Thị Bích Liên (Hà Nội) sống sót sau 7 ngày bị rơi xuống vực sâu ở Yên Tử (Uông Bí, Quảng Ninh) thu hút sự chú ý của dư luận. Bà Liên bị rơi xuống vực ngày 27/4, tới ngày 3/5 bà được cứu.

Theo thông tin trên Dân Trí, bà Liên đi lễ Phật ở chùa Đồng một mình vào ngày 27/4. Khi đi xuống, bà thấy mệt nên ngồi nghỉ ở khu vực sát lan can, Lúc đứng lên bà Liên bị tụt huyết áp, choáng và ngã xuống khu vực phía dưới. Rất may khu vực bên dưới có nhiều cây xanh nên bà Liên không bị thương nặng. Tuy nhiên, do thời điểm đó có mưa gió nên bà Liên kêu cứu không thành công. 

Khu vực nơi bà Liên bị rơi xuống. Ảnh: Dân trí

Trong 7 ngày dưới vực, bà Liên  cầm cự bằng chiếc bánh gạo và chai nước mang theo bên người. "Có chai nước mỗi ngày cứ chia ra uống, ăn thì tôi ăn lá dương xỉ với củ lạc tiên. Lúc đấy chỉ nghĩ cây dương xỉ sống cả triệu năm rồi nên cứ thử ăn xem sao. Ăn xong cũng lấy củ lạc tiên đắp vào những vết thương ở chân tay, nó dịu hẳn đi, cũng đỡ hơn một chút", bà Liên chia sẻ trên Lao động.

Trả lời Dân Việt, bà Liên cho biết thêm, khi dùng hết nước, bà bới đống rác dưới vực tìm những chai nước du khách uống dở, cầm cự qua ngày. Sau 2 ngày kêu cứu không thành công, bà Liên tiếp tục bới đống rác tìm xem có thể dùng được những vật gì. "Tôi lấy rác che chắn tạm như cái lều, quấn túi bóng quanh người để chống rét", bà Liên nói thêm. Ngoài ra, bà còn lấy chai nhựa khoét rỗng tạo thành cái loa để kêu to hơn hoặc dùng hai miếng sắt đập vào nhau nhưng đều vô vọng.

Bà Liên kể về hành trình sống sót 7 ngày dưới vực Yên Tử. Ảnh: Lao động.

Nói về tác dụng của cây dương xỉ và lạc tiên giúp bà Liên sống sót 7 ngày ở vực sâu Yên Tử, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội trao đổi trên VTC News cho biết, bà Liên may mắn khi biết tự cứu lấy mình nhờ việc ăn cây dương xỉ và củ lạc tiên để duy trì sự sống trong suốt 1 tuần.

Ông Thịnh nhận định, bà Liên là người hiểu rõ về cây cối trong rừng, có kỹ năng sinh tồn tốt và rất may mắn khi chọn được những loại cây ăn được để sống sót qua ngày. Bởi nếu là trường hợp khác không hiểu rõ về cây cối, họ rất có thể ăn phải loại cây có độc dẫn tới nguy hiểm tới tính mạng.

Theo ông Thịnh, hai loại cây dương xỉ hay lạc tiên mà bà Liên sử dụng đều là những loài thực vật không có độc. Xét về mặt dinh dưỡng, hai loại cây trên không có giá trị dinh dưỡng đặc biệt, duy chỉ có cây lạc tiên trong thành phần chứa một lượng rất nhỏ chất an thần, nhưng không đáng kể. Dù vậy, đây là những loại cây có thể dùng để làm thực phẩm để duy trì sự sống trong môt thời gian.

Cây dương xỉ. Ảnh: Lao động.

“Không riêng gì cây dương xỉ hay lạc tiên mà có rất nhiều loại thực vật trong cuộc sống khác đều có thể ăn được. Chỉ là người dân không dùng nó làm thực phẩm vì nó rất khó ăn, có vị chát, mà giá trị dinh dưỡng lại không cao. Ví dụ như các loại lá rất quen thuộc với chúng ta là lá chuối, hay lá mít... đều ăn được”, ông Thịnh nói trên VTC News.

PGS Nguyễn Duy Thịnh cũng cho rằng, hiện nay ở Việt Nam vẫn chưa có nhiều trường, lớp dạy cho trẻ em, thậm chí người lớn cách sinh tồn khi lâm vào hoàn cảnh tương tự như đi lạc vào rừng sâu, kẹt trong thang máy, hỏa hoạn hay đuối nước...

Những khóa học như vậy sẽ giúp con người biết cách sinh tồn trong bối cảnh gặp nguy hiểm, khắc nghiệt. Bằng sự hiểu biết của mình, người lâm vào tình thế này sẽ biết làm sao để duy trì sự sống bằng việc tìm nước uống, cây gì thì ăn được, giữ cơ thể tránh mất nước thể nào, bảo vệ cơ thể trước môi trường ra sao hoặc kêu gọi trợ giúp từ người khác bằng nhiều cách.

Tuệ Nhi (t/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại //