15 lần chuyển mạng giữ số không thành, khách kêu cứu Bộ Thông tin và Truyền thông
Theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT), quá trình chuyển mạng giữ số tối đa kéo dài hai ngày. Song nhiều khách hàng, đặc biệt tại địa bàn Nam Định đang bị các nhà mạng gây khó dễ, nên khiếu nại lên đến Bộ TTTT.
Khách hàng bức xúc vì nhiều lần chuyển mạng giữ số không thành.
Phản ánh đến đường dây nóng báo Tiền Phong, anh Trần Mạnh Thắng (TP Nam Định) chủ thuê bao 094…375 cho biết: Ngày 18/2/2019, anh soạn tin nhắn từ Vinaphone sang mạng khác nhưng được thông báo đang vướng cam kết gói cước, không thể chuyển mạng. Trong khi đó, anh Thắng không dùng bất kỳ gói cước nào. Hiện nay, anh Thắng đã yêu cầu chuyển mạng đến 15 lần nhưng tiếp tục bị từ chối.
“Tôi trực tiếp đến phòng giao dịch Vinaphone số 521 đường Trường Chinh (TP Nam Định) phản ánh thì nhân viên thông báo không còn vi phạm gì, thực hiện lại yêu cầu sẽ được hỗ trợ, nhưng sau đó vẫn bị từ chối. Tôi gọi điện lên tổng đài Vinaphone yêu cầu xem xét và được thông báo tiếp tục kiểm tra song kết quả lại như cũ. Mất thời gian, công sức mà không chuyển được mạng khiến tôi rất bức xúc”, anh Thắng chia sẻ. Quá bức xúc, anh Thắng đã làm đơn khiếu nại đến Bộ TTTT.
Đăng ký dịch vụ chuyển mạng giữ số từ những ngày đầu, nhưng hơn 2 tháng nay, anh Hoàng Văn Doanh (25 tuổi, TP Nam Định, cũng là thuê bao Vinaphone) vẫn chưa được chuyển qua nhà mạng mong muốn. Anh Doanh nói: “Tôi đăng ký đến 9 lần. Lần đầu, tôi được trung tâm chuyển mạng báo lỗi về thông tin cá nhân. Cập nhật thông tin đầy đủ, nhà mạng lại báo không chuyển được do yêu cầu chuyển mạng của tôi quá thời hạn. Tôi đăng ký lại, gọi tổng đài được trả lời là đủ điều kiện chuyển đi, tiếp tục chờ thông báo từ trung tâm. Dù vậy, đến nay chưa thấy ai liên lạc lại”. Không chuyển được mạng, ông Doanh cũng làm đơn khiếu nại đến Bộ TTTT.
Các đơn khiếu nại, đề nghị về việc chậm trễ chuyển mạng giữ số tại Vinaphone Nam Định
Sở hữu số 2 số điện thoại cùng một nhà mạng, khi gửi yêu cầu chuyển mạng, anh Mai Nam Thắng (TP Nam Định) bị từ chối với lý do vi phạm cam kết. “Tôi không nợ cước hay đang xảy ra tranh chấp với nhà mạng cũ (Vinaphone - PV) mà vẫn bị từ chối. Rất nhiều lần liên hệ mà đến nay chưa thành công, mất thời gian, ảnh hưởng đến cuộc sống. Càng gây khó chịu, tôi vẫn sẽ quyết tâm chuyển mạng”, anh Thắng cho hay.
Thông thường, khi khách hàng có nhu cầu chuyển sang nhà mạng, nhân viên nhà mạng sẽ gọi điện thuyết phục ở lại nhưng thuyết phục nhiều lại thành phiền toái. Chị Kim Dung (phường Trần Tế Xương, TP Nam Định) cho hay: “Lúc đầu, họ gọi thì thấy hợp lý vì quan tâm tới khách hàng. Tuy nhiên, việc gọi đi gọi lại cùng nội dung mà không thực hiện đúng yêu cầu khiến tôi cảm thấy khó chịu”, chị Dung nói.
Như Tiền Phong phản ánh, từ 16/11/2018, các nhà mạng bắt đầu thực hiện chuyển mạng giữ số. Tuy nhiên, nhiều nhà mạng tìm mọi cách giữ chân khách hàng. Nhẹ thì thuyết phục, tăng cường khuyến mãi, nặng hơn, các nhà mạng viện dẫn các điều khoản trong hợp đồng.
Chẳng hạn, chủ thuê bao trả trước của mạng MobiFone với số thuê bao 079903xxxx tại thị xã Từ Sơn (Bắc Ninh) muốn chuyển mạng, đang dùng gói cước 3G gia hạn hàng tháng. Tuy nhiên, tháng 12/2018, thuê bao này nhận được tin nhắn từ nhà mạng có thêm ràng buộc sử dụng trong vòng 24 tháng. Chủ thuê bao này phát hiện, báo lên nhà mạng, từ đó mới được gỡ cam kết để khách chuyển mạng.
Cuối tháng 2 vừa qua, Cục Viễn thông, Bộ TTTT cho biết, sau hơn 3 tháng triển khai chuyển mạng giữ số, có 118.209 thuê bao đăng ký dịch vụ chuyển mạng giữ số, trong đó chỉ có 62.398 thuê bao chuyển mạng thành công, chiếm 53%. Cục này cho rằng đây là tỷ lệ chuyển mạng thành công rất thấp và sẽ có đường dây nóng, bộ phận chuyên trách xử lý các khiếu nại của khách hàng.