Xử vụ gian lận thi cử Hà Giang: Chủ mưu bị đề nghị 9 năm tù
Chiều 17/10, sau bốn ngày mở phiên xét xử sơ thẩm vụ gian lận điểm thi xảy ra tại Hà Giang, Viện KSND đã nêu quan điểm luận tội 5 bị cáo.
Theo VTC News, sau 3 ngày thẩm vấn, xét hỏi, chiều 17/10, Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Giang đọc bản luận tội và đề xuất mức án đối với 5 bị cáo trong vụ xét xử gian lận điểm thi, kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018.
Công tố viên Vũ Thị Thanh Nga chỉ rõ hành vi phạm tội của các bị cáo được dư luận đặc biệt quan tâm, đã xâm hại hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước. Việc gian lận trong thi cử làm mất sự công bằng xã hội, ảnh hưởng đến chất lượng ngành giáo dục, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Nữ công tố viên nêu rõ, bị cáo Nguyễn Thanh Hoài và Vũ Trong Lương, Viện KSND có đủ cơ sở kết luận 2 bị cáo đã bàn bạc, thống nhất với nhau để nâng điểm môn trắc nghiệm.
Các bị cáo trong vụ án đều là người có năng lực trách nhiệm hình sự, có chức vụ, quyền hạn và có công tác nhiều năm. Các bị cáo am hiểu rõ quy định, quy chế của ngành đã đề ra và lẽ ra phải gương mẫu.
Nữ công tố viên nêu rõ, bị cáo Nguyễn Thanh Hoài và Vũ Trọng Lương, Viện KSND có đủ cơ sở kết luận 2 bị cáo đã bàn bạc, thống nhất với nhau để nâng điểm môn trắc nghiệm.
Các bị cáo tại tòa. Ảnh: Tuổi Trẻ
Nguyễn Thanh Hoài là chủ mưu, khởi xướng và là người đưa danh sách 93 thí sinh cần nâng điểm cho Lương trực tiếp can thiệp, nâng điểm. Ngoài ra bị cáo Lương còn nhận nâng giúp 14 thí sinh khác.
Quá trình điều tra và thẩm vấn tại tòa, hai bị cáo thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội do lợi dụng kẽ hở của phần mềm chấm thi trắc nghiệm. Các bị cáo khai nhận chỉ nâng điểm giúp vì tình cảm với cấp trên, những đồng nghiệp, bạn bè, người quen, không vì lợi ach vật chất. Những người làm chứng, phụ huynh thí sinh được nâng điểm cũng không thể hiện đã thỏa thuận, đưa vật chất gì cho các bị cáo.
Do đó, VKS nhận thấy không có căn cứ để chứng minh các bị cáo nhận tiền, tài sản hay bất cứ lợi ích vật chất nào trong vụ án. Không đủ cơ sở pháp lý kết luận 2 bị cáo có động cơ vụ lợi.
VKS đề nghị tòa tuyên bị cáo Nguyễn Thanh Hoài 8-9 năm tù; Vũ Trọng Lương 7-8 năm tù. Bị cáo Triệu Thị Chính và Lê Thị Dung cùng mức án từ 2-2,5 năm. Còn bị cáo Phạm Văn Khuông từ 1-1,5 năm tù treo, thời gian thử thách từ 2-3 năm, Tiền Phong cho hay.
Bị cáo Triệu Thị Chính, nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, bị đề nghị từ 2 năm đến 2 năm 6 tháng tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi" theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 358 Bộ luật Hình sự 2015.
Bị cáo Chính không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ của trưởng ban chấm thi, đưa cho Hoài danh sách 13 thí sinh cần nâng điểm và thống nhất nâng điểm cho 12 thí sinh đối với môn ngữ văn. Theo đại diện viện kiểm sát, việc chưa kịp nâng điểm là yếu tố khách quan mang lại, ngoài ý chí chủ quan của các bị cáo.
Bị cáo Phạm Văn Khuông, nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, bị đề nghị xử phạt từ 1 năm đến 1 năm 6 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội "Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi" theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 366 Bộ luật Hình sự 2015.
Bị cáo Lê Thị Dung, nguyên Phó đội trưởng thuộc Phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hà Giang, bị đề nghị xử phạt từ 2 năm đến 2 năm 6 tháng tù về tội "Lợi dụng sự ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi" theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 366 Bộ luật Hình sự 2015.