Xót xa gia đình ba thế hệ sống trong túp lều rách nát ngay sát trụ sở UBND xã
Hơn 20 năm nay, 3 nhân khẩu trong gia đình bà Nguyễn Thị Xuân phải sống trong túp lều căng bạt rách nát nằm ngay cạnh trụ sở UBND địa phương.
Ba thế hệ chung sống dưới một túp lều cạnh UBND xã
Đến thị trấn Tứ Trưng, hỏi thăm về gia đình bà Nguyễn Thị Xuân (SN 1955) không một ai là không biết đến. Tứ Trưng là một thị trấn thuộc huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc). Vài năm trở lại đây, nhờ tập trung phát triển các nghành nghề kinh tế nên bộ mặt của thị trấn đã có nhiều sự chuyển biến sắc nét.
Bà Nguyễn Thị Xuân khóc nấc lên khi chia sẻ về hoàn cảnh gia đình mình: Clip: Tuấn Khang
Tuy nhiên, giữa phố phường đô hội đang thay đổi từng ngày này vẫn còn có những hoàn cảnh đáng thương mà mỗi khi nhắc đến nhiều người sẽ cảm thậy gợn lòng. Gia đình bà Nguyễn Thị Xuân là một trong những hoàn cảnh như vậy.
Dẫn chúng tôi đến trụ sở UBND thị trấn Tứ Trưng, một người đàn ông trung niên chỉ tay về phía chiếc lều nằm lẩn khuất phía sau bụi chuối bên cạnh là một con mương, nói: “Nhà bà ấy đấy, 20 năm sống ở đây rồi. Các chú tự tìm lối vào nhá, tôi cũng không biết đâu”.
Túp lều tạm bợ ẩn khuất sau bụi chuối là nơi gia đình bà Xuân sinh sống. Ảnh: Tuấn Khang
Phải mất một lúc sau khi len lỏi qua những khóm chuối mọc không thành hàng lối và những bãi sình lầy, chúng tôi mới vào được “căn nhà” của gia đình bà Xuân. “Căn nhà” được dựng lên bằng những tấm bạt cũ kĩ, dột nát này hơn 20 năm qua là nơi che mưa nắng cho bà Xuân cùng với cô con gái duy nhất là chị Nguyễn Thị Hoa (SN 1994).
Tổ ấm đơn sơ của gia đình bà Xuân không có một thứ gì đáng giá. Bên trong la liệt là những quần áo và đồ dùng sinh hoạt vứ ngổn ngang trên chiếc giường ọp ẹp được làm từ những thanh gỗ thừa ghép lại.
Bếp đun nấu và những vật dụng sinh hoạt ngổn ngang sau cơn mưa. Ảnh: Tuấn Khang
Cạnh bên mương nước, chiếc bếp được xếp lên từ vài ba viên gạch đã bị nước mưa ngấm vào gần hết. Vài ba chiếc xoong, nồi úp chỏng chơ dựa vào một bên mái cột nhà. Cảnh tượng đó quá khác so với sự khang trang của những ngôi nhà cao tầng mọc lên gần đó.
Thấy có khách đến, chị Hoa bế vội đứa con thơ chưa được 10 tháng tuổi “trốn” vào trong nhà rồi lớn tiếng gọi mẹ về tiếp chuyện. Không lâu sau đó, một người đàn bà với mái tóc cắt ngắn đã lốm đốm hoa râm bước từng bước chậm rãi tiến vào nhà. Đó là bà Xuân.
Trong nhà bà Xuân không có một thứ gì đáng giá. Ảnh: Tuấn Khang
Bà Xuân là người xã Tam Hồng. Năm 1995, bà theo ông Nguyễn Văn Hành (SN 1972) về sinh sống ở thị trấn Tứ Trưng. Vì ông Hành là người đã có gia đình nên bà không được chính quyền địa phương công nhận là vợ ông Hành.
“Biết ông ấy đã có gia đình nhưng tôi vẫn đem lòng yêu thường. Con cái ông ấy cũng kịch liệt phản đối. Vì thế, ông ấy bỏ nhà ra sống với tôi trên thửa ruộng bỏ hoang nằm sát cạnh UBND thị trấn”, bà Xuân tâm sự.
Chỗ ngả lưng mỗi buổi tối được xếp từ những viên gạch góp nhặt được. Ảnh: Tuấn Khang
Quãng thời gian sinh sống, có với nhau được 1 người con thì ông Hành mắc phải căn bệnh lạ và đột ngột qua đời, một mình bà Xuân vừa là cha, vừa là mẹ bươn chải nuôi vượt qua sóng gió để nên người.
“Sợ em nó thất học nên tôi phải cố gắng để em học hết bậc THPT. Những tưởng, có cái chữ, cuộc sống của em nó sẽ bớt khổ cực hơn thì em nó lầm lỡ để đến bây giờ sinh nở được một cô con gái”, bà Xuân nghẹn ngào.
Gia đình bà Xuân sống trong túp lều tạm bợ đến nay đã được hơn 20 năm ròng. Ảnh: Tuấn Khang
Sau khi tốt nghiệp THPT, chị Hoa bảo với mẹ xin được đi làm công nhân để kiếm đồng ra, đồng vào trang trải cuộc sống cho 2 mẹ con. Tuy nhiên, mới làm được hơn 20 ngày, chị Hoa phải lòng một người đàn ông cùng xã.
“Họ hứa hẹn với em đủ điều rằng sẽ cưới em về làm vợ. Tuy nhiên, sau khi làm em có bầu, người này cũng bỏ đi không có tung tích gì. Ngày em sinh nở anh ấy cũng không đến để hỏi thăm. Bần cùng quá, em đành bế cháu về ở với mẹ, 2 mẹ con cùng 1 đứa cháu nhỏ mò cua, bắt ốc sinh sống qua ngày”, chị Hoa tâm sự.
“Nhiều người đến xin cháu về nuôi nhưng tôi nhất định không cho”
Kể từ khi con gái chào đời, sức khỏe chị Hoa ngày một yếu, mọi gánh nặng gia đình dồn cả lên đôi vai của bà Xuân. Để có thể lo cho con gái và đứa cháu ngoại, bà Xuân ra chợ bán rau, nhặt sắt vụn, mò cua bắt ốc kiếm từng hào lẻ trang trải cuộc sống.
Nguồn sáng duy nhất của gia đình bà Xuân mỗi khi đêm xuống phát ra từ chiếc đèn dầu này. Ảnh: Tuấn Khang
Nhà có 2 sào ruộng được chia nhưng vì 2 mẹ con không còn đủ sức nên cũng chỉ cấy được một phần kiếm hạt thóc ăn qua ngày. Mọi chi phí sinh hoạt, chăm sóc con nhỏ bà Xuân đều trông chờ vào khoản tiền 360 ngàn đồng được hưởng theo chế độ trợ cấp mẹ đơn thân nuôi con của xã.
“Em nó sinh xong, do thiếu ăn liên miên nên bị mất sữa, nhà lại không có tiền mua sữa ngoài nên cháu bé ngày càng còi cọc. Thi thoảng lắm mới có một người biết đến hoàn cảnh mua cho cháu hộp sữa”, bà Xuân tâm sự.
Nhưng nhiều khi không có tiền mua dầu, cuộc sống của gia đình bà Xuân lại chìm trong bóng tối. Ảnh: Tuấn Khang
Cũng kể từ khi chị Hoa sinh con, phần vì ái ngại hoàn cảnh của gia đình, phần vì cũng thương đứa trẻ nhỏ không được chăm bẵm đến nơi đến chốn nên nhiều người dân đã khuyên bà nên đưa cháu bé vào trại trẻ mồ côi hoặc cho người khác nhận làm con nuôi nhưng bà Xuân nhất mực không đồng ý.
Theo bà: “Cháu tôi dù có thế nào cũng là khúc ruột, giọt máu do chính con tôi sinh ra. Nghĩ đến cảnh bây giờ còn mẹ, còn bà mà lại cho cháu đi sau này cháu lớn lên sẽ trách móc rồi mang nghiệp nên tôi không đồng ý”.
Bà Xuân nghẹn ngào khi chia sẻ về hoàn cảnh thương tâm của gia đình mình. Ảnh: Tuấn Khang
Bà Xuân kể, trước đây cũng có 4 đám đến xin cháu về để nuôi nấng nhưng bà không cho, sau khi nghe bà trình bày nguyên nhân, nhiều người cảm thông và giúp đỡ bà một phần nào đó để gia đình có thể trang trải cuộc sống.
Trong suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, bà Xuân thỉnh thoảng lại khóc nấc lên, túp lều ọp ẹp của gia đình bà cũng theo những cơn gió lắc lư như muốn đổ sập xuống.
Chị Hoa cùng con gái chưa được 10 tháng tuổi đang chơi đùa trong túp lều. Ảnh: Tuấn Khang
Đưa đôi bàn tay gầy guộc phe phẩy chiếc quạt cho người cháu ngoại bớt nóng, bà Xuân lại nghẹn ngào: “Nhà tôi cũng chẳng có điện các các chú ạ. Trời mát thì còn đỡ nhưng trời nóng là 2 bà cháu phải bế nhau lên đường hứng gió trời.
Buổi tối, 2 mẹ con tôi phải thay nhau thức để quạt cho con cháu ngủ. Cứ hơi nóng một tý là cháu lại tỉnh giấc. Mọi sinh hoạt vào ban đêm đều phải trông chờ vào ngọn đèn dầu.
Giờ giá dầu cũng tăng, nhiều khi không có tiền mua nổi ít dầu, 3 bà cháu lại phải mò mẫm ăn cơm, sinh hoạt trong đêm tối”.
Đã có nhiều người đến xin cháu gái về nuôi nhưng bà Xuân đều từ chối. Ảnh: Tuấn Khang
Bà Xuân chia sẻ thêm, mong ước lúc cuối đời, bà chỉ mong đứa cháu bé bỏng được học hành đầy đủ để thoát khỏi cuộc sống gắn với túp lều tranh dựng tạm như thế này.
Về phía chính quyền thị trấn Tứ Trưng, được biết lãnh đạo địa phương và các tổ chức, đoàn thể rất quan tâm, lưu ý đến trường hợp của gia đình bà Xuân.
Điều chị Hoa và bà Xuân mong muốn nhất là người con, người cháu của mình có được 1 cuộc sống sung túc hơn. Ảnh: Tuấn Khang
Tuy nhiên, theo quy định, phần đất của gia đình bà đang sinh sống là đất công, UBND thị trấn chỉ có thể tạo điều kiện cho mượn để gia đình bà ở tạm.
Hiện nay, chính quyền địa phương đang chờ UBND huyện Vĩnh Tường phê duyệt quy hoạch chuyển đổi phần diện tích đất nông nghiệp của địa phương để xây dựng khu giãn dân và dành một phần diện tích nhỏ, cấp cho gia đình bà Xuân.