WHO cảnh báo đáng sợ hậu Covid-19
Báo cáo thường niên đầu tiên về sự sẵn sàng cho các trường hợp y tế khẩn cấp, xuất bản hồi tháng 9/2019, đã cảnh báo về sự chuẩn bị chưa tốt của nhân loại với các đại dịch lớn. Vài tháng sau, đại dịch Covid-19 bất ngờ ập đến.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới. Ảnh: Reuters
Theo trang Explica, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cảnh báo, Covid-19 không phải là đại dịch cuối cùng mà thế giới phải đối mặt và nhắc nhở mọi người rằng, những tiến bộ về y tế sẽ là không đủ nếu không có những thay đổi liên quan tới tình trạng nóng lên toàn cầu.
Trong một video được ghi lại để kỷ niệm ngày 27/12 - ngày mà Việt Nam đề xuất là Ngày Thế giới phòng chống dịch bệnh và được Liên Hợp Quốc thông qua, ông Tedros nói: "Lịch sử đã cho thấy Covid-19 sẽ không phải đại dịch cuối cùng mà nhân loại phải đối mặt". Người đứng đầu WHO nhấn mạnh rằng, thế giới cần rút ra bài học kinh nghiệm sâu sắc từ đại dịch Covid-19.
"Trong một thời gian dài, thế giới đã rơi vào chu kỳ hoảng loạn và phủ nhận. Chúng ta bỏ hàng đống tiền khi một đại dịch bùng phát nhưng khi nó kết thúc, chúng ta lại lãng quên và không chuẩn bị sẵn sàng cho đại dịch mới. Đó là sự nguy hiểm của cái nhìn ngắn hạn", ông Tedros nói.
Báo cáo thường niên đầu tiên về Sự sẵn sàng cho các trường hợp y tế khẩn cấp, xuất bản hồi tháng 9/2019, đã cảnh báo về sự chuẩn bị chưa tốt của nhân loại với các đại dịch lớn. Vài tháng sau, đại dịch Covid-19 bất ngờ ập đến.
"Đại dịch Covid-19 đã làm lộ ra mối liên hệ chặt chẽ giữa sức khỏe của con người, động vật và của cả hành tinh này. Mọi nỗ lực nhằm cải thiện hệ thống y tế sẽ là chưa đủ nếu không đi kèm với mối quan hệ giữa người và động vật, cũng như mối đe dọa hiện hữu do biến đổi khí hậu gây ra", tổng giám đốc WHO cho hay.
Ông Tedros cho rằng mọi quốc gia nên đầu tư cho khả năng sẵn sàng để phòng ngừa, phát hiện và giảm thiểu các trường hợp khẩn cấp xảy ra, đồng thời kêu gọi cung cấp nhiều hơn các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản.
Người đứng đầu WHO cho biết, với các khoản đầu tư vào sức khỏe cộng đồng, "chúng ta có thể đảm bảo rằng, thế hệ tương lai được thừa hưởng một thế giới an toàn, linh hoạt và bền vững hơn".
Ngày Thế giới phòng chống dịch bệnh, do Việt Nam đề xuất và Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua, được đưa ra nhằm thúc đẩy tầm quan trọng của công tác phòng ngừa, chuẩn bị và hợp tác trong đối phó dịch bệnh.