WHO cảnh báo châu Âu một lần nữa nằm trong tâm chấn của đại dịch Covid-19
Mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo rằng châu Âu nhiều khả năng một lần nữa trở thành tâm chấn của đại dịch Covid-19, đặc biệt trong bối cảnh số ca bệnh tăng cao trên khắp châu lục.
Số ca nhiễm mới Covid-19 ở Đức ghi nhận tăng cao trong những ngày gần đây. Ảnh: Reuters
Tại cuộc họp báo, người đứng đầu WHO Châu Âu, Hans Kluge cho biết số ca tử vong có thể tăng thêm nửa triệu người tại châu lục này vào tháng Hai năm sau. Ông đổ lỗi cho việc không tiêm đủ vaccine là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng này. Kluge nói: "Chúng ta phải thay đổi chiến thuật của mình, chúng ta không nên đợi đến khi số ca Covid-19 tăng cao rồi mới phản ứng mà cần phải ngăn chặn chúng ngay từ đầu".
Tỷ lệ tiêm chủng đã chậm lại trên toàn châu lục trong những tháng gần đây. Khoảng 80% người dân ở Tây Ban Nha đã tiêm hai mũi, tỷ lệ này ở Pháp và Đức lần lượt là 68% và 66%. Chỉ có 32% người Nga được tiêm chủng đầy đủ, tính đến tháng 10/2021.
Ngoài ra, ông Kluge cũng cho rằng cho việc nới lỏng các biện pháp y tế công cộng khiến tình trạng mắc bệnh gia tăng tại châu Âu. Cho đến nay, WHO đã ghi nhận 1,4 triệu ca tử vong trên toàn khu vực.
Trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về Covid-19, Maria Van Kerkhove, cho biết trong bốn tuần qua các ca bệnh trên khắp châu Âu đã tăng hơn 55%, mặc dù "nguồn cung cấp vaccine và thiết bị y tế dồi dào". Đồng nghiệp của cô, Tiến sĩ Mike Ryan cho biết thực trạng ở châu Âu sẽ là một "phát súng cảnh báo cho thế giới".
Đức ghi nhận gần 34.000 trường hợp mắc mới Covid-19 trong 24 giờ qua, một mức tăng kỷ lục. Trong khi đó, con số tương tự ở Vương quốc Anh là hơn 37.000 ca, các quan chức y tế công cộng lo ngại rằng đợt lây nhiễm thứ tư có thể dẫn đến một số lượng lớn ca tử vong và gây áp lực lên hệ thống y tế. Trong 24 giờ qua, 165 ca tử vong đã được ghi nhận, tăng so với 126 ca hồi tuần trước.
Theo người đứng đầu WHO Châu Âu, Hans Kluge, điều quan trọng là phải ngăn chặn dịch bệnh ngay từ đầu. Ảnh: time.mk
Lothar Wieler thuộc Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) của Đức đã nói về những con số đáng sợ. Ông cho biết: "Nếu chúng ta không có biện pháp đối phó ngay bây giờ, làn sóng thứ tư này sẽ còn mang lại nhiều đau khổ hơn nữa. Trong số những người Đức chưa được tiêm chủng, có hơn ba triệu người trên 60 tuổi, được coi là có nguy cơ đặc biệt". Mặc dù vậy, như Hans Kluge đã chỉ ra, sự gia tăng số ca bệnh không chỉ giới hạn ở Đức. Số người chết tăng mạnh nhất trong tuần qua là ở Nga, nơi ghi nhận hơn 8.100 người chết và Ukraine, với 3.800 người chết. Cả hai quốc gia đều có tỷ lệ tiêm chủng rất thấp, thậm chí Ukraine còn công bố mức kỷ lục 27.377 trường hợp mắc mới trong 24 giờ qua.
Romania ghi nhận số ca tử vong cao nhất trong 24 giờ ở tuần này là 591 người, trong khi ở Hungary, số ca nhiễm mới Covid-19 hàng ngày đã tăng hơn gấp đôi lên 6.268.
Tuần này, chính phủ Hà Lan cho biết họ sẽ yêu cầu bắt buộc đối việc đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội ở nhiều nơi công cộng. Được biết, số người nhập viện đã tăng thêm 31% chỉ trong một tuần.
Latvia trong khi đó đang áp đặt tình trạng khẩn cấp kéo dài 3 tháng kể từ thứ Hai (1/11) trong bối cảnh số ca nhiễm mới Covid-19 đạt mức kỷ lục.
Croatia ghi nhận 6.310 trường hợp mới vào thứ Năm (4/11), con số cao nhất cho đến nay. Bên cạnh đó, Slovakia đã báo cáo số trường hợp mắc bệnh cao thứ hai và các ca nhiễm trùng ở Séc đã trở lại mức được thấy lần cuối vào mùa xuân.
Ngày 3/11, Phó giám đốc y tế của Anh, Giáo sư Jonathan Van-Tam cho biết rằng có quá nhiều người duy trì niềm tin rằng đại dịch đã kết thúc. Tuy nhiên, ngay cả ở các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất, tỷ lệ lây nhiễm vẫn đang có dấu hiệu tăng dần.
Ý là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất cho trẻ trên 12 tuổi, thế nhưng ngay cả ở đây số trường hợp mắc mới cũng tăng 16,6% trong tuần qua.
Số ca nhiễm mới ở Bồ Đào Nha đã tăng trên 1.000 trường hợp, lần đầu tiên kể từ tháng Chín. Tây Ban Nha là một trong số ít quốc gia không ghi nhận số ca lây nhiễm gia tăng, với 2.287 trường hợp được xác nhận vào thứ Tư (3/11).