Vụ trẻ khóc đến co giật tím tái ở Hà Nội: Bác sĩ nhi phân tích nguyên nhân
Theo khuyến cáo của bác sĩ Trần Văn Bàn, khoa Nhi BV Xanh Pôn cha mẹ cần lưu ý cách xử trí khi trẻ khóc đến co giật để tránh những trường hợp rủi ro xảy đến với trẻ.
Có trường hợp trẻ khóc đến co giật, bất tỉnh khiến nhiều phụ huynh lo ngại (Ảnh minh họa)
Liên quan đến vụ việc ông bé Nhật Nam (2,5 tuổi) Hà Nội suýt mất con vì để mặc bé khóc không dỗ đến co giật và bất tỉnh gây xôn xao cộng đồng mạng những ngày qua, trao PV Đời sống Plus bác sĩ Trần Văn Bàn, khoa Nhi BV Xanh Pôn đã chia sẻ quan điểm của mình.
Theo bác sĩ Bàn, phụ huynh cần nhớ rằng mỗi lần trẻ khóc là một lần nín thở. Những trẻ khóc dai dẳng và kéo dài có thể gây tăng huyết áp trong não, tăng áp lực và cản trở máu lưu thông khá nguy hiểm.
"Tuy nhiên, việc trẻ co giật đến bất tỉnh thì có rất nhiều nguyên nhân và gia đình cần tìm ra nguyên nhân chính xác. Không thể chỉ thấy hiện tượng mà kết luận ngay rằng co giật do khóc" - bác sĩ Bàn cho hay.
Trong trường hợp của bé Nhật Nam, khi gia đình cho bé thực hiện điện não đồ là lúc cơn co giật đã qua, nên cũng chưa thể kết luận gì.
Bác sĩ Trần Bàn lưu ý khi trẻ khóc, phụ huynh cần chú ý quan sát trẻ để tùy từng trường hợp có hướng xử lý. Với trẻ sơ sinh hay trẻ chưa biết nói khóc chính là một hình thức giao tiếp nên ít khi người lớn để mặc trẻ khóc mà không dỗ. Tuy nhiên trong trường hợp trẻ đã biết nhận thức mà khóc hờn dỗi thì phụ huynh nên nhẹ nhàng phân tích cho trẻ hiểu thay vì vội vàng đáp ứng đòi hỏi của trẻ.
Bé Nhật Nam cấp cứu tại Bệnh viện Xanh Pôn sau khi khóc đến co giật và bất tỉnh
Xử trí thế nào khi trẻ co giật?
Trong trường hợp phát hiện trẻ co giật sau khi khóc, phụ huynh cần bình tĩnh để con nằm nghiêng về bên trái, cho con co giật bình thường hết cơn. Không nên giữ chặt tay chân, tránh sái/gãy chân tay trẻ.
Cho con nằm nghiêng để nếu con có trớ ra đờm hay bất cứ thứ gì cũng sẽ giúp trẻ không bị sặc và dễ thở.
Ngoài ra, bác sĩ cũng khuyên gia đình nên quay clip ghi lại hình ảnh lúc con co giật và đưa con đi cấp cứu càng sớm càng tốt. Chính clip được gia đình ghi lại sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh tình con sớm hơn, đưa ra hướng điều trị tốt nhất cho bé.
Xem thêm bác sĩ dạy cách vệ sinh mũi tại nhà đúng chuẩn để cả năm bé không bị bệnh hô hấp