Vụ lãnh đạo xã ký khống, đóng dấu vào giấy khai sinh ở Phú Thọ: Lãnh đạo huyện Thanh Thủy lên tiếng
Đại diện UBND, phòng Tư pháp huyện Thanh Thủy lên tiếng về vụ việc nghi vấn lãnh đạo xã Sơn Thủy đóng dấu, ký khống vào giấy khai sinh sau đó bán cho dân với mức giá 50.000 đồng/tờ.
Trước đó, như Đời sống Plus đã đưa tin, nhiều người dân phản ánh việc UBND xã Sơn Thủy (huyện Thanh Thủy, Phú Thọ) ngang nhiên mua bán, phát hành tràn lan, công khai và trái với quy định của pháp luật mẫu giấy khai sinh.
Theo đó, khi có nhu cầu cần đến giấy khai sinh, người dân chỉ việc liên hệ làm việc tại phòng quản lý hộ khẩu, hộ tịch của xã và đóng 50.000 đồng đồng thời chờ đợi trong một khoảng thời gian ngắn sẽ có được một mẫu giấy khai sinh đúng chuẩn kèm theo dấu đỏ và chữ ký tươi của Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy hoặc Phó chủ tịch ký thay. Về nhà, người mua tự điền thông tin vào.
Qua tìm hiều được biết hành vi trái pháp luật này diễn ra công khai và thường xuyên trong giai đoạn ông Hà Xuân Kiểm giữ chức Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy và ông Nguyễn Tiến Cương giữ chức Phó chủ tịch UBND xã Sơn Thủy.
Sau khi nắm được thông tin về vụ việc, PV đã liên hệ với UBND xã Sơn Thủy để làm việc. Tại buổi làm việc với PV, ông Nguyễn Văn Dũng, Phó chủ tịch UBND xã Sơn Thủy đã khẳng định chữ ký và dấu đỏ có trong các tờ giấy khai sinh trắng thông tin đúng là con dấu và chữ ký của ông Hà Xuân Kiểm và ông Nguyễn Tiến Cương. Tuy nhiên, do mới vừa lên nắm giữ chức vụ nên ông Dũng cũng không nắm rõ.
Khi liên lạc với ông Kiểm không được, PV đã đến UBND huyện Thanh Thủy để tìm câu trả lời từ phía cơ quan cấp cao hơn.
Trao đổi với PV liên quan đến vụ việc, đại diện phòng Tư pháp huyện Thanh Thủy cho biết mẫu giấy khai sinh trắng có dấu và chữ ký của ông Hà Xuân Kiểm đúng là mẫu chuẩn giấy khai sinh năm 2014 (thời điểm ông Kiểm giữ chức Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy).
Vị này cũng khẳng định việc đóng dấu ký vào mẫu giấy khai sinh khi chưa có thông tin gì như đã phản ánh của ông Kiểm là sai quy định của pháp luật.
“Thông thường, để thực hiện việc làm giấy khai sinh, cha mẹ phải cung cấp được giấy chứng sinh. Sau đó, cán bộ tư pháp sẽ điền đẩy đủ các thông tin về họ tên, nơi sinh, ngày sinh… của người được khai sinh.
Tiếp đó, cán bộ tư pháp sẽ lưu lại thông tin của người được khai sinh sau đó mới xin chữ ký và con dấu và chữ ký của Chủ tịch UBND xã để có 1 tờ giấy khai sinh hợp lệ”, vị cán bộ phòng Tư pháp huyện Thanh Thủy thông tin.
Cán bộ tư pháp huyện Thanh Thủy cho biết, với từng trường hợp xin cấp lại giấy khai sinh mới hoặc xin làm lại giấy khai sinh trong trường hợp mất, thất lạc giấy khai sinh cũ đều được diễn ra theo đúng quy trình như trên. “Việc đóng ký và đóng dấu vào giấy khai sinh trắng thông tin như trên là việc làm hoàn toàn sai pháp luật”, vị này thông tin.
Trong khi đó, Phó Chánh văn phòng huyện Thanh Thủy cũng lên tiếng xác nhận việc ký và đóng dấu vào giấy khai sinh trắng thông tin như trên là việc làm hoàn toàn sai pháp luật.
“Chúng tôi sẽ cho tiến hành kiểm tra, rà soát lại toàn bộ hoạt động cấp giấy khai sinh trên địa bàn xã Sơn Thủy và làm việc với những người liên quan sau đó sẽ có biện pháp xử lý nếu phát hiện có sai phạm như cơ quan báo chí nêu”.
Trao đổi với PV, ông Khổng Danh Đạt, Chủ tịch UBND huyện Thanh Thủy cho biết đơn vị này đang thực hiện tiến hành kiểm tra, rà soát lại hoạt động cấp giấy khai sinh và mời các bên liên quan đến làm việc. “Đầu tuần sau, chúng tôi sẽ có kết quả và thông báo đến quý báo”, ông Đạt thông tin.
Đời sống Plus sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
Thủ tục làm giấy khai sinh cho con cụ thể như sau: BƯỚC 1: Người đi đăng ký khai sinh (cha, mẹ, ông, bà hoặc người thân thích khác của trẻ) chuẩn bị những giấy tờ sau: – Giấy chứng sinh (do Bệnh viện, Cơ sở y tế nơi trẻ sinh ra cấp). Nếu trẻ sinh ra ngoài cơ sở y tế, thì Giấy chứng sinh thay bằng văn bản xác nhận của người làm chứng. Nếu không có người làm chứng, người đi khai sinh làm giấy cam đoan việc sinh là có thực. – Sổ Hộ khẩu hoặc giấy chứng nhận nhân khẩu tập thể, Giấy đăng ký tạm trú có thời hạn của cha, mẹ trẻ. Trường hợp đã ly hôn thì mang hộ khẩu của người đi khai sinh. – Giấy chứng nhận kết hôn của cha, mẹ trẻ (nếu cha, mẹ của trẻ có đăng ký kết hôn). Nếu cán bộ Tư pháp hộ tịch biết rõ quan hệ hôn nhân của cha mẹ, không bắt buộc xuất trình Giấy chứng nhận kết hôn. – CMND/Hộ chiếu Việt Nam (bản chính và bản photo) của cha mẹ hoặc người đi làm thay. – Điền mẫu tờ khai đăng ký khai sinh (có thể tìm trên mạng hoặc xin ở nơi làm thủ tục) BƯỚC 2: Nộp các giấy tờ trên tại UBND xã, phường, thị trấn (gọi tắt là UBND cấp xã) nơi người mẹ đăng ký thường trú (áp dụng trong trường hợp cả cha và mẹ của trẻ là công dân VN cư trú trong nước). BƯỚC 3: Tiếp nhận hồ sơ đăng ký khai sinh và cấp Giấy khai sinh. – Sau khi nhận và kiểm tra các giấy tờ trên, cán bộ Tư pháp – hộ tịch ghi vào Sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh, trình Chủ tịch UBND cấp xã ký vào bản chính Giấy khai sinh. – Giấy khai sinh chỉ được cấp 1 bản chính. Bản sao Giấy khai sinh được cấp theo yêu cầu của người đi khai sinh. Thời hạn giải quyết cấp giấy khai sinh: trong 1 ngày. Trường hợp cần xác minh, không quá 05 ngày làm việc. Thời gian nhận giấy khai sinh: từ Thứ 2 đến sáng Thứ 7 hàng tuần. |