Vụ Khaisilk: Thêm tin bất ngờ về doanh nhân Hoàng Khải

30-10-2017 14:29:26

Sau vụ Khaisilk bán khăn "made in China" nhiều người đã ngỡ ngàng về dự định xây lớp học cho trẻ em nghèo của ông Hoàng Khải.


Sau vụ Khaisilk thêm tin bất ngờ về doanh nhân Hoàng Khải 

Theo báo Kiến Thức, thông tin từ Shark Tank Việt Nam (Thương Vụ Bạc Tỷ), doanh nhân Hoàng Khải, Chủ tịch tập đoàn Khaisilk - một trong những nhà đầu tư khách mời - đã quyết định rút khỏi hội đồng đầu tư của chương trình truyền hình thực tế về khởi nghiệp này. 

Lý do được đưa ra là để "tập trung vào các công việc của tập đoàn". Trên thực tế, đây không phải quyết định bất ngờ bởi sau khi lên tiếng thừa nhận bán khăn Trung Quốc nhưng gắn mác Việt Nam trong gần 30 năm qua, ông Hoàng Khải đã khiến người tiêu dùng vô cùng phẫn nộ.

Tuy nhiên, điều khiến dư luận vẫn xôn xao sau thông tin này là bởi trước đây, trên trang cá nhân, ông Hoàng Khải từng cho biết: "Khải nhận tham gia chương trình này trên VTV3 để có tiền lên xây lớp học cho các trẻ em nghèo trường Tiểu học xã Thái Sơn (huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng), nơi mà tháng trước các báo đã đưa tin các em phải khai giảng ngoài trời dưới những cơn mưa nặng hạt đấy".

Do đó, dư luận băn khoăn rằng, sau khi rút khỏi hội đồng đầu tư của chương trình truyền hình thực tế Shark Tank Việt Nam, liệu ông Hoàng Khải có từ bỏ nguyện vọng xây lớp học cho các trẻ em nghèo trường Tiểu học xã Thái Sơn (huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng) không? Và trường Tiểu học xã Thái Sơn có biết gì về ý định thiện nguyên của ông Hoàng Khải trước đó hay không?

Ngày 30/10, trả lời trên báo Kiến thức, cô Đinh Thị Thu Hiền, Hiệu Phó Trường Tiểu học Thái Sơn (huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng) cho biết, nhà trường chưa từng nghe đến thông tin đại gia Khaisilk tham gia chương trình Shark Tank Việt Nam trên VTV3 để có tiền lên xây lớp học cho các trẻ em nghèo trường Tiểu học xã Thái Sơn. “Thời gian trước nhà trường có đón một đoàn ở dưới xuôi lên để đặt vấn đề xây hai điểm trường mới cho các cháu bớt khó khăn, tránh bị trơn trượt lầy lội nhưng không phải do doanh nghiệp tài trợ. Đơn vị vị xây hai điểm trường này là đoàn thiện nguyện mà tôi đã kêu gọi. Hiện hai điểm trường này đã hoàn thành. Ngoài ra, ở khu vục Thái Sơn còn một dự án về trường học nữa đang trong quá trình khảo sát nhưng là của Nhà nước không phải của tập đoàn nào cả” - cô Hiền trả lời trên báo Kiến thức.

Như vậy, với thông tin từ phía Tiểu học xã Thái Sơn, có thể thấy ý định xây lớp học cho các trẻ em nghèo trường Tiểu học xã Thái Sơn chỉ là lời đăng tải trên trang cá nhân của ông chủ thương hiệu Khaisilk, chứ chưa có động thái hiện thực hóa cụ thể nào.

Trước đó, một doanh nghiệp ở Hà Nội đặt hàng Khaisilk mua khăn tặng quà cho đối tác thì phát hiện khăn lụa Khaisilk vừa gắn mác "made in Việt Nam" và "made in China". Ông Hoàng Khải đã lên tiếng xin lỗi và hứa bồi thường cho khách hàng. Ngay sau vụ việc, Bộ Công Thương đã gửi công văn hỏa tốc yêu cầu làm rõ việc Khaisilk bán khăn gắn mác "made in Chin". Đồng thời, các đơn vị chức năng như chi cục quản lý thị trường, Chi cục Thuế Hà Nội đã vào cuộc điều tra. 

Trong diễn biến liên quan, Giám đốc Sở Công thương TP Phạm Thành Kiên sáng ngày 30/10 cho hay ở TP. HCM, Khaisilk có 3 điểm bán: 2 điểm ở Đồng Khởi và 1 điểm ở đường Tôn Đức Thắng, báo Lao động đưa tin. 

Sau khi Khaisilk bị phát hiện bán hàng Trung Quốc nhưng gắn nhãn xuất xứ Việt Nam thì 3 cửa hàng đều đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh. Cũng theo ông Phạm Thành Kiên, đối tượng của những cửa hàng này chủ yếu là khách nước ngoài và các đơn vị có nhiều mối quan hệ ngoại giao.

Về cách thức xử lý của TP, ông Kiên cho biết, hiện Sở Công Thương đang phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, tuy nhiên chưa có kết quả. Dù vậy ông Kiên khẳng định, kiên quyết xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm, vì đây là doanh nghiệp có tiếng của cả nước và TPHCM.


Theo KIến Thức/Đời sống Plus/GĐVN //