Vụ hàng trăm hộ dân xây nhà trên đất ruộng ở Yên Phúc (Ý Yên, Nam Định): Chuyển công an điều tra!

04-03-2020 14:27:06

Khi hàng trăm nghìn m2 đất ruộng bị “hô biến” thành nhà ở chưa được khắc phục triệt để, thời gian gần đây UBND xã Yên Phúc (huyện Ý Yên, Nam Định) lại tiếp tục buông lỏng quản lý để cho hàng chục trường hợp xây dựng nhà ở kiên cố trên đất ruộng.

Ngang nhiên san lấp đất ruộng, xây nhà

Như Báo điện tử Dân Việt/TrangTraiVietOnline đã thông tin từ năm 2006 – 2013 xã Yên Phúc buông lỏng quản lý, khiến hàng trăm ngàn m2 đất ruộng bị các hộ dân san lấp, làm nhà. Theo đó, chỉ trong vòng 1 thời gian ngắn đã có đến 508 hộ tại 13 thôn trong xã thực hiện hành vi bơm cát, làm lán trại và xây dựng nhà kiên cố trên đất ruộng. Tổng diện tích đất ruộng bị san lấp làm nhà, lán trại, làm vườn lên tới 236.468m2; trong đó có 192.065m2 đất vi phạm Nghị định 115, đất 5% là 44.403m2, có đến 135 trường hợp làm nhà kiên cố trên đất, 52 trường hợp làm lán trại…

Dường như việc xây dựng nhà trên đất ruộng ở xã Yên Phúc đã trở thành tiền lệ. Khi những sai phạm nói trên chưa được khắc phục triệt để, năm 2019 xã Yên Phúc đã xuất hiện hàng loạt các trường hợp người dân xây dựng nhà trên đất ruộng.


Khu đất ruộng được bà Tuyết- Phó chủ tịch hội phụ nữ xã Yên Phúc xây quây bơm cát để làm nhà đang được đình chỉ.

Có thể kể đến 10 hộ dân xây dựng nhà trên đất ruộng. Đó là: ông Đinh Văn Nhâm xây dựng nhà 2 tầng trên diện tích đất trồng lúa tại thôn Hùng Vương rộng 63m2; nhà ông Đỗ Đức Tiệp xây dựng nhà 2 tầng trên đất trồng lúa thôn Hùng Vương với diện tích 112,5m2; ông Đinh Văn Cảnh xây dựng nhà 2 tầng trên đất trồng lúa thôn Hùng Vương với diện tích 80,8m2.

Hay như ông Đinh Văn Thuần xây dựng nhà 2 tầng trên đất trồng lúa thôn Hùng Vương với diện tích 49,5m2; ông Nguyễn Văn Quang xây dựng nhà mái tôn trên đất trồng lúa thôn Lê Lợi với diện tích 49,5m2; ông Phạm Văn Hải xây dựng nhà 2 tầng và cấp 4 trên đất trồng lúa thôn Hùng Vương với diện tích 62m2; bà Ngô Thị Đào xây dựng nhà lợp tôn trên đất trồng lúa thôn Hùng Vương với diện tích 20m2; bà Phạm Thị Tươi xây dựng nhà lợp tôn trên đất trồng lúa thôn Hùng Vương với diện tích 99,8m2; ông Phạm Văn Bình xây dựng nhà trên đất trồng lúa thôn Hùng Vương với diện tích 28m2; ông Đỗ Văn Trường xây dựng móng nhà trên đất trồng lúa thôn Hùng Vương với diện tích 52m2.


Tại xã Yên Phúc người dân không còn lạ với những ngôi nhà kiên cố mọc lên giữa đất hai lúa

Bên cạnh những hộ dân đang trục lợi từ đất ruộng, thì đáng chú ý cũng có không ít những cán bộ đang công tác tại xã Yên Phúc đang ngày đêm "hô biến" những mảnh ruộng màu mỡ thành nhà. Đó là trường hợp của bà Vũ Thị Tuyết- Phó Chủ tịch Hội phụ nữ xã Yên Phúc. Bà Tuyết đã cho người bơm cát vào khu đất ruộng lúa với diện tích lớn để làm nhà. Theo một lãnh đạo xã Yên Phúc, xã này đang đình chỉ quyết liệt việc làm sai trái của bà Tuyết.

Chuyển cơ quan điều tra

Liên quan đến 236.468m2 đất ruộng bị san lấp làm nhà, lán trại, làm vườn ông Vũ Văn Vui- Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Ý Yên cho biết, năm 2008 huyện đã có công văn chỉ đạo, yêu cầu xã Yên Phúc rà soát, xử lý 508 trường hợp vi phạm.


Trịnh Thị Kim Tình- Phó Chủ tịch UBND huyện Ý Yên (đầu tiên bên phải) cho biết, huyện đang thành lập đoàn thanh tra những sai phạm đất đai ở xã Yên Phúc.

Năm 2015, huyện đã xử lý các trường hợp tự nâng cốt mặt bằng chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, trên diện tích đất nông nghiệp; năm 2015, 2016 huyện đã xử lý, giải toả mặt bằng sạch 135 trường hợp xây dựng nhà tạm, nhà kiên cố, đưa ra đấu giá được 118 lô đất.

Năm 2018, 2019, xã Yên Phúc có 16 trường hợp vi phạm đất ruộng lúa. Những trường hợp này đang có tình trạng phá vỡ mặt bằng, xây tường bao... Huyện đã chỉ đạo giải toả được 2 trường hợp…

Theo ông Vui, huyện Ý Yên đã ban hành văn bản chỉ đạo, yêu cầu xử lý 1 số trường hợp xây dựng nhà trái phép. Để xảy ra vi phạm trách nhiệm chính thuộc về Chủ tịch xã Yên Phúc và cán bộ địa chính xã… Trước những sai phạm này, UBND huyện Ý Yên đã thành lập đoàn thanh tra do Chánh thanh tra huyện làm trưởng đoàn. Sau khi có kết luận sẽ chỉ rõ trách nhiệm của từng cán bộ.

Cũng theo ông Vui, trường hợp xây dựng nhà trên đất ruộng xã không xử lý dứt điểm, gây hậu quả nghiêm trọng, huyện sẽ chuyển hồ sơ đến cơ quan điều tra.

Nói về trách nhiệm của cán bộ cấp dưới khi để xảy ra sai phạm, bà Trịnh Thị Kim Tình- Phó Chủ tịch UBND huyện Ý Yên cho biết, Tỉnh uỷ Nam Định đã ban hành kết luận 43-KL/TU trong đó chỉ rõ trách nhiệm của từng cán bộ. Theo đó, để xảy ra vi phạm trách nhiệm thuộc về những người đứng đầu xã…

"Trách nhiệm của Bí thư đảng uỷ xã là chỉ đạo. Qua kiểm tra Bí thư cũng có những nghị quyết, văn bản chỉ đạo UBND xã. Khi đã chỉ đạo thì trách nhiệm chính là của UBND xã, trách nhiệm chính là của ông Toàn (Chủ tịch UBND xã Yên Phúc – PV).

Tại buổi làm việc, ông Trần Bá Huấn- Phó trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Ý Yên đã cung cấp danh sách tên nhiều hộ dân vi phạm làm nhà trên đất ruộng. Tuy nhiên khi PV đề nghị huyện cung cấp hiện trạng cụ thể các công trình vi phạm, ông Huấn viện lý do huyện có nhiều xã nên không nắm được xuể các nội dung.

Liên quan đến vụ việc nói trên, ông Nguyễn Tuấn Song- Chủ tịch UBND huyện Ý Yên cho hay, sẽ cho kiểm tra lại những vi phạm đất đai trên địa bàn xã Yên Phúc mà báo chí phản ánh. Bản thân ông mới nhận nhiệm vụ Chủ tịch UND huyện được khoảng 2 tháng nhưng đã xử lý, giải toả được rất nhiều công trình vi phạm. 

Ngày 22/8/2018, Tỉnh uỷ Nam Định ban hành kết luận số 43-KL/TU. Theo đó, kết luận nêu rõ những vi phạm lấn chiếm đất, tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất luá sang đất khác, chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, chuyển đất lâm nghiệp sang đất khác: Cơ quan chức năng và người có thẩm quyền tiến hành lập hồ sơ vụ việc, xử phạt theo quy định, buộc hoàn trả lại hiện trạng sử dụng đất trước lúc vi phạm; nếu có dấu hiệu của tội phạm hoặc vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng thì chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

Không xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đối với: Công chức địa chính xã, Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND cấp xã có liên quan nếu không kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý và báo cáo về các hành vi vi phạm theo thẩm quyền.

Hạ bậc xếp loại chất lượng về đảng, chính quyền đối với Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND có liên quan, Trưởng phòng Tài nguyên môi trường cấp huyện; Bí thư đảng uỷ cấp xã nếu không kịp thời phát hiện ngăn chặn và xử lý vi phạm.

Bí thư huyện uỷ được phân công phụ trách địa bàn chịu một phần trách nhiệm đối với các vi phạm xảy ra trên địa bàn nếu không kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo khi được báo cáo về các vi phạm.

 

Thành Nam
Theo Trang trại Việt //