Vụ 7 học sinh bị kỷ luật ở Thanh Hoá: Bất lực và “phi giáo dục”?!
Liên quan đến vụ việc 7 học sinh bị kỷ luật ở Thanh Hoá, nhiều ý kiến cho rằng đuổi học là thể hiện sự “bất lực” và phi giáo dục.
Trường THPT Nguyễn Trãi (Thanh Hoá) đã thu hồi quyết định đuổi 7 học sinh (Ảnh: Lê Dương)
Mặc dù Trường THPT Nguyễn Trãi (Thanh Hoá) đã thu hồi quyết định đuổi học đối với 7 học sinh nhưng những ngày qua, dư luận đã có nhiều ý kiến trái chiều về hình thức kỷ luật trên. Nhiều ý kiến thẳng thắn cho rằng đuổi học là thể hiện sự “bất lực” và phi giáo dục.
Đuổi học vì nói xấu giáo viên
Trường THPT Nguyễn Trãi áp dụng hình thức kỷ luật đuổi một năm đối với 3 học sinh lớp 10A5, 4 học sinh khác bị đuổi học một tuần vì nói xấu, xúc phạm giáo viên nhà trường qua Facebook. Được biết, sau khi sự việc phát giác, Ban Giám hiệu nhà trường đã mời đại diện hội cha mẹ học sinh và các phụ huynh liên quan thông báo sự việc, đồng thời yêu cầu học sinh viết tường trình.
Tuy nhiên, do học sinh không có thái độ tiếp thu, tiếp tục vi phạm nên nhà trường phải kỷ luật. Bởi theo đại diện Trường THPT Nguyễn Trãi, học sinh đã vi phạm đạo đức, xúc phạm nhân phẩm, danh dự giáo viên, nhân viên nhà trường nên xử phạt nghiêm minh để răn đe.
Việc “mạnh tay” răn đe bằng cách đuổi học một năm của Trường THPT Nguyễn Trãi đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình, ủng hộ. Bởi đây là hành vi xúc phạm giáo viên, không phù hợp với truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt Nam. Hơn nữa, nếu không nghiêm khắc giáo dục thì học sinh không thể thành người.
Bà Nguyễn Thị An (ở Hoàng Mai, Hà Nội) cho rằng, trong Thông tư của Bộ GD&ĐT về Quy chế công tác sinh viên và chỉ đạo của Bộ về việc đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hoá trong học đường thì học sinh, sinh viên phải kính trọng, lễ phép, đúng mực với cán bộ giáo viên, giảng viên, nhân viên trong nhà trường. Có thái độ chào hỏi, ngôn ngữ xưng hô thể hiện sự “tôn sư - trọng đạo”. Nghiêm cấm sử dụng các trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử, diễn đàn mạng để đăng tin và bình luận không mang tính xây dựng về nhà trường, phán xét, nhận định không đúng sự thật theo chiều hướng tiêu cực đối với cán bộ giáo viên nhà trường.
Vì vậy, việc học sinh nói xấu giáo viên, đặc biệt, tập thể học sinh có những ngôn từ tục tĩu dành cho giáo viên trong trường là hoàn toàn sai trái, phạm điều cấm kỵ trong ứng xử giữa thầy và trò. Chỉ đơn cử việc cùng nhau nói xấu những người đã và đang dạy mình là điều không thể chấp nhận được. Vì vậy, đuổi học là hình thức răn đe thấu tình, đạt lý. Bởi nếu các em không tuân thủ các quy định của nhà trường thì sau này ra ngoài xã hội, làm sao các em tuân thủ các quy định pháp luật (!?).
Đuổi học là sự thất bại của nhà trường, phụ huynh?
Bên cạnh những ý kiến đồng tình, ủng hộ hình thức kỷ luật của Trường THPT Nguyễn Trãi với 7 học sinh trên, cũng không ít ý kiến thẳng thắn rằng, việc đuổi học là thể hiện sự thất bại của nhà trường và phụ huynh trong việc giáo dục con trẻ. Bởi học sinh rất cần nền giáo dục trên cơ sở nhân ái.
“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Nhà trường và gia đình đã thất bại trong việc giáo dục các em học sinh, đuổi học không phải là cách làm đúng, đã là học sinh hư thì đuổi học sẽ khiến các em càng hư, càng dễ dàng gây ra những hậu quả khôn lường ở bên ngoài xã hội”, đó là quan điểm thẳng thắn của anh Trần Văn Tuấn (47 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội), có con đang theo học tại Trường THPT Nhân Chính.
Bởi theo anh Tuấn, con đang ở độ tuổi bước vào cấp 3 nên anh hoàn toàn cảm nhận được, với con trẻ ở độ tuổi nhiều bồng bột thì gia đình, nhà trường cần có cách phối hợp giáo dục ra sao để con trẻ có được những hành vi, ứng xử đúng đắn trong nhà trường, ngoài xã hội.
Bà Nguyễn Thị Ái (ở Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho rằng: “Giáo viên cho rằng đuổi học là hoàn toàn đúng quy định, là hình thức răn đe hợp tình hợp lý, nhưng với quan điểm học sinh thì việc cùng nhau nói xấu thầy cô là thể hiện sức mạnh đám đông, sẽ chiến thắng tất cả. Theo tôi, học sinh sai thì đã rõ, nhưng giáo viên cũng sai vì vi phạm quyền tự do cá nhân. Đuổi học là thể hiện sự bất lực, yếu kém của nhà trường”.
Cũng theo bà Ái, phạt để vẹn toàn thì chỉ cần cho học sinh lao động công ích trong khu phố gần nhà trường, nên đánh vào lòng tự trọng để các em biết thế nào là phạt, ở tuổi sĩ diện mà phải đi quét trường, quét phố thì tự thấy tổn thương lòng tự trọng mà rút kinh nghiệm.
Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, bà Lê Thị Thanh Hà, Giám đốc Trung tâm Giáo dục kỹ năng sống và giá trị sống thay đổi đến từ ai (Kon Tum) cho biết: “Lúc này, cần có hướng giải quyết để xoa dịu cả trò lẫn thầy. Việc đuổi học sinh như vậy, về lý chưa nói đúng hay sai nhưng các học sinh khác nhìn vào sẽ thấy không có sự thuyết phục.
Thứ hai, việc đưa ra hình thức kỷ luật cần xem xét có phù hợp với tâm lý lứa tuổi hay không, phạt như thế nào để vừa thể hiện sự uy nghiêm, nghiêm túc, song cũng cần nhân văn, trên cơ sở học sinh vi phạm hiểu được lỗi lầm của mình và có ý thức sửa chữa. Học sinh rất cần được giáo viên nâng đỡ khi phạm phải sai lầm, việc kỷ luật khắt khe như vậy là đẩy các em ra ngoài đời là quá nguy hiểm.
Để uốn nắn kỹ năng của con trẻ, không thể áp dụng hình thức kỷ luật đuổi học với các em, trong trường hợp này, giáo viên hãy nhìn lại bản thân, đặt dấu hỏi về nguyên nhân sự việc bắt nguồn từ đâu. Các em có quyền được kiến nghị giáo viên những vấn đề chưa được, qua đó, giáo viên phân tích cho học sinh hiểu những vướng mắc trong lòng.
Vì vậy, giáo viên hãy mở cuộc nói chuyện giữa thầy – trò, hãy tạo không gian để hai bên cùng nghe – hiểu. Hãy cho các em cơ hội được thể hiện mình, được nói lên tiếng nói của mình, qua đó, giáo viên cũng được trải lòng, hai bên cùng xin lỗi, thì chắc chắn, các nút thắt vấn đề sẽ được gỡ. Bởi tuổi học sinh là tuổi bồng bột, nông nổi, khi bị đẩy đến bước đường cùng thì rất nguy hiểm. Thậm chí, có những em không tìm ra được lối thoát, nếu không trở thành những người bất mãn thì sẽ có ý định quên sinh”.
Trước những tranh cãi của dư luận, Trường THPT Nguyễn Trãi đã thu hồi quyết định đuổi 7 học sinh xúc phạm giáo viên trên Facebook. Tuy nhiên, đại diện nhà trường cho rằng, Hội đồng kỷ luật sẽ họp để đánh giá lại mức độ sai phạm để đưa ra hình thức kỷ luật phù hợp nhất. Quan điểm của nhà trường vẫn sẽ xử lý nghiêm để có tính răn đe. |
Xem thêm video: Trẻ 10 tháng tuổi bị tím đùi, xước mặt sau khi từ trường mầm non về