Vụ 352 học sinh cấp cứu ở Ninh Bình: Vi khuẩn tụ cầu vàng nguy hiểm như thế nào?
Tụ cầu vàng là vi khuẩn vô cùng nguy hiểm, có thể gây ra nhiều ca bệnh hiểm nghèo nhưng lại có khả năng kháng lại nhiều loại thuốc kháng sinh.
Nguyên nhân khiến 352 học sinh Ninh Bình nhập viện là món ruốc gà có vi khuẩn tụ cầu vàng
Liên quan đến vụ việc 352 học sinh nhập viện ở Ninh Bình, kết quả của Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia cho thấy, trong món ruốc gà có vi khuẩn tụ cầu vàng, bắt nguồn từ thịt gà sống sử dụng làm ruốc, độc tố này khi nấu chín vẫn không tiêu diệt được. Đây chính là nguyên nhân khiến các học sinh bị đau bụng, buồn nôn phải nhập viện.
Tuy nhiên, nhiều người chưa biết rằng tụ cầu vàng là vi khuẩn vô cùng nguy hiểm, có thể gây ra nhiều ca bệnh hiểm nghèo nhưng lại có khả năng kháng lại nhiều loại thuốc kháng sinh, kể cả những loại kháng sinh rất mạnh thuộc thế hệ mới.
Tụ cầu vàng kháng thuốc kháng sinh
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tụ cầu vàng tên khoa học là Staphylcocs aureus, có đường kính là khoảng 0.8-1 micromet. Loại vi khuẩn này thường tập trung như chùm nho. Khi vi khuẩn này xâm nhập vào cơ thể qua các lỗ hở như một vết cắt hoặc phát ban, nó có thể gây ra nhiễm trùng sâu bên, trong rất nguy hiểm.
Vi khuẩn tụ cầu vàng thường cư trú trên da nhưng ít gây bệnh. Nhưng nếu có các vết xước, mụn trên người, kèm theo vệ sinh cá nhân không tốt, cơ thể có sức đề kháng yếu thì vi khuẩn tụ cầu dễ dàng xâm nhập gây các bệnh nguy hiểm.
Tụ cầu vàng gây ra các tổn thương ngoài da như chốc lở, viêm nang lông, các loại mụn nhọt, loét da. Thậm chí có khi tạo nên các ổ áp-xe nằm ngay dưới da gây đau đớn, sốt, sưng nề sung huyết làm đỏ cả một vùng da.
Khi nhiễm vào máu, tụ cầu cũng có thể gây nên các bệnh nặng như áp-xe phổi, viêm tủy xương, viêm nội tâm mạc hoặc gây viêm màng não mủ... Bệnh có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh và cũng có nguy cơ cao gây nhiễm khuẩn huyết.
Hàng trăm học sinh tiểu học nghi ngộ độc ở Ninh Bình
Khi bị tụ cầu vàng, bác sĩ sẽ điều trị bằng cách cho bệnh nhân sử dụng kháng sinh. Tuy nhiên, ngày này do việc sử dụng kháng sinh tùy tiện, không theo chỉ định đã gây nên tình trạng kháng kháng sinh khiến cho việc điều trị các nhiễm trùng gây nên bởi tụ cầu vàng trở nên khó khăn.
Tụ cầu vàng có khả năng kháng nhiều loại kháng sinh trong đó có kháng sinh nhóm penicillin bao gồm methicillin, penicillin, amoxicillin và oxacillin. Tụ cầu vàng thậm chí còn được coi là một loại “siêu vi khuẩn” do hiện nay nó đã trở nên đề kháng với rất nhiều loại kháng sinh mà trước kia có thể sử dụng để tiêu diệt nó trong các bệnh viện, trung tâm y tế…
Những kháng sinh rất mạnh như Vancomycin, Colistin, Telavancin, Linezoid… hiện đã được điều chế để đối phó với các loại vi khuẩn kháng kháng sinh như tụ cầu vàng. Tuy nhiên, người ta lo ngại những kháng sinh đặc trị vi khuẩn cứng đầu này không sớm thì muộn cũng bị vi khuẩn kháng lại. Gần đây, Mỹ thông báo 3 ca kháng Vancomycin và 24 ca khác trên thế giới Vancomycin giảm tác dụng với tụ cầu vàng.
Ngộ độc thực phẩm do tụ cầu vàng
Mọi người có thể bị ngộ độc khi ăn phải những thức ăn bị nhiễm tụ cầu vàng. Vi khuẩn giải phóng độc tố vào trong thực phẩm, khiến người bệnh bị nôn mửa dữ dội. Ngoài ra, bệnh nhân có thể bị sốt.
Những thực phẩm dễ bị nhiễm tụ cầu vàng nhất bao gồm trứng, thịt gia súc, gia cầm, salad (gồm trứng, cá ngừ, thịt gà, khoai tây, mỳ ống), các loại bánh nướng có kem và các sản phẩm từ sữa.
Những thực phẩm dễ bị nhiễm tụ cầu vàng nhất bao gồm trứng, thịt gia súc, gia cầm, salad...
Phòng bệnh do tụ cầu vàng
Theo TS BS Trương Hồng Sơn - Viện Y học ứng dụng Việt Nam, hiện chưa có vaccin đặc hiệu để phòng các bệnh do tụ cầu vàng gây ra. Tuy nhiên bạn có thể thực hành theo những biện pháp sau đây để phòng tránh lây lan vi khuẩn.
Khi bị nhiễm khuẩn trên da cần bao phủ vùng da đó bằng băng gạc sạch, khô. Điều này đặc biệt quan trọng nếu vết thương đang hình thành mủ và chảy mủ, do trong dịch tiết này có thể chứa MRSA và lây lan sang các vị trí khác.
Mọi người cần rửa tay theo hướng dẫn, tránh tiếp xúc gần với người mắc bênh, cần làm sạch các vết xước, vết cắt và vết thương trên da để giảm thiểu nguy cơ tụ cầu vàng xâm nhập qua những vết thương hở này.
Không dùng chung các vật dụng cá nhân có khả năng tiếp xúc với vết nhiễm trùng. Ví dụ như khăn mặt, dao cạo râu, ga trải giường hay quần áo. Cần giặt sạch sẽ chăn chiếu và quần áo trong nước nóng và sấy khô để giúp tiêu diệt tụ cầu.
Cần tuân theo những quy tắc sơ chế và chế biện thực phẩm an toàn để phòng nguy cơ ngộ độc do tụ cầu gây ra: Rửa tay kỹ với xà phòng và nước trước khi chế biến thực phẩm, nếu bạn có vết thương, nhiễm trùng da, hay nhiễm trùng tại mắt, mũi, không nên chuẩn bị thức ăn cho người khác, làm sạch và tiệt trùng nhà bếp và khu vực ăn uống…
Xem thêm Clip: Dưa chua và nguy cơ bạn có thể bị ngộ độc