Video xúi trẻ tự sát tràn lan trên mạng: Xóa Youtube bảo vệ con chỉ là muối bỏ bể

05-03-2019 07:32:39

Liên quan đến tình trạng video xúi trẻ tự sát tràn lan trên mạng, TS Vũ Thu Hương cho rằng việc phụ huynh xóa Youtube để bảo vệ con chỉ là muối bỏ bể.


Thử thách Momo đã len lỏi và ngụy trang trên các video dành cho trẻ em

Thời gian gần đây, nhiều quốc gia trên thế giới đã ghi nhận hàng loạt trường hợp trẻ em có hành vi tự làm hại bản thân, thậm chí là tự tử sau khi xem những video trên Youtube có liên quan đến quái vật Momo. Điều này khiến các bậc phụ huynh ở Việt nam vô cùng lo lắng, bất an bởi hiện nay nhiều người xem Youtube hay iPad là công cụ hữu hiệu để dỗ giành trẻ. 

Điều đáng nói là tác hại từ những hình ảnh kinh dị của "Thử thách Momo" không chỉ dừng ở mức độ tâm lý: tháng 7/2018, một đứa trẻ ở Argentina được cho là đã treo cổ tử tự ở sân sau nhà mình như một phần của Thử thách Momo. Một bé gái 12 tuổi và một thiếu niên 16 tuổi khác cũng trở thành nạn nhân của trò đùa ác độc này chỉ vài tháng sau đó.

Chia sẻ về tác hại khi trẻ tiếp xúc với những clip hướng dẫn bạo lực hay “thử thách Momo” trên mạng, Chuyên gia tâm lý, kỹ năng sống, TS Vũ Thu Hương (giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội) cảnh báo những hình ảnh kinh dị như Momo có thể ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý trẻ.

Trẻ thoải mái dùng thiết bị điện tử nguy hiểm giống như cho con tự do dạo chơi trên quốc lộ

TS Hương phân tích, sử dụng mạng xã hội giống như việc vui chơi, giải trí hay tìm kiếm thông tin giữa một bãi rác khổng lồ. Những clip nhạy cảm, những trò chơi nguy hiểm hoặc những lời xúi giục kích động luôn tồn tại ở đây. Điều này trước nay các phụ huynh không biết là do họ thiếu thông tin hoặc chủ quan coi thường những cảnh báo của các chuyên gia tâm lý, giáo dục.

Tham gia vào các mạng xã hội khi trẻ còn nhỏ chưa đủ hiểu biết để phân loại và chọn lọc những thứ hữu ích cho mình giữa một đám hổ lốn các thể loại thông tin, phần mềm, clip như thế giới trên internet là hành động nguy hiểm giống như cho con dạo chơi trên đường quốc lộ mà không có bất kể biện pháp an toàn nào.

Về những nguy cơ có thể xảy ra đối với trẻ khi video xúi trẻ tự sát lan tràn trên mạng, TS Vũ Thu Hương phân tích: "Khi bạn chứng kiến một đám tang buồn thảm, tâm trạng của bạn sẽ bị kéo trùng xuống u uất đến vài ngày không hết. Mà đó là khi bạn đã là người lớn. Còn khi bạn là trẻ nhỏ với ánh nhìn thơ ngây về mọi vấn đề bạn sẽ thấy mọi việc đáng sợ hơn nhiều". 

Theo TS Hương, đứa trẻ hoàn toàn có thể nghĩ rằng đằng sau cánh cửa của ngôi nhà ấm áp bên cạnh cha mẹ mình sẽ là thế giới hiểm nguy đầy ắp ma quỷ và những thứ gớm ghiếc mà trí não của người lớn không thề lý giải nổi. Chính vì vậy, mọi tác động đến trẻ sẽ để lại tác động tâm lý lớn hơn với người lớn gấp bội lần. 

Đứa trẻ lần đầu tiên nhìn thấy một hình ảnh ma quỷ lướt qua cũng có thể rơi vào trạng thái trầm cảm kéo dài vài tháng trong khi phản ứng của bố mẹ chúng có khi chỉ là cái rùng mình hoặc lè lưỡi rồi thôi. Vì thế, hệ lụy của những clip đáng sợ sẽ rất lớn với những đứa trẻ.


Nhiều trẻ em đã trở thành nạn nhân của quái vật Momo

Xóa Youtube để bảo vệ con chỉ là muối bỏ bể

Trước tình trạng trẻ bị tấn công bởi những video bạo lực, xúi trẻ tự sát như Momo, nhiều bậc phụ huynh đưa ra giải pháp tạm thời là xóa ứng dụng Youtube. Tuy nhiên, theo TS Hương hành động này chỉ là "muối bỏ bể, không thể giúp cho con họ an toàn hơn".

"Bởi thế giới ảo thượng vàng hạ cám. Bạn có thể nhặt được một mảnh sành để vứt đi chứ chúng ta không thể nhặt được hàng triệu mảnh rác lẫn lộn trong mớ hỗn độn.

Thậm chí, khi các phụ huynh xóa ứng dụng xong, họ có thể  chủ quan bỏ qua các hiểm nguy khác. Điều đó, đôi khi dẫn đến những hậu quả đáng sợ mà các phụ huynh giật mình thì đã muộn" - TS Hương cảnh báo.

Cha mẹ cần làm gì?

Chia sẻ về giải pháp của cha mẹ dành cho trẻ để tránh xa khỏi những tác động xấu của những video bạo lực nói chung và quái vật Momo nói riêng, TS Vũ Thu Hương lấy ví dụ phân tích: Xe máy, ô tô đều là những phương tiện rất hữu ích trong cuộc sống con người. Nhưng chúng chỉ thực sự an toàn khi người sử dụng đã đủ lớn và biết cách sử dụng. Đấy là chưa kể những người sử dụng xe máy, ô tô đều phải có bằng lái trước khi điều khiển các phương tiện lưu thông trên đường. Vậy tại sao những đứa trẻ non nớt, thiếu hiểu biết và tầm nhìn chưa đủ lớn mà phụ huynh lại có thể tự do sử dụng và tham gia trên mạng xã hội?.

TS Hương khuyến cáo, những người cha mẹ thực sự yêu con sẽ dành thời gian để chơi và dạy dỗ con thay vì tống cho nó cái điện thoại hay ipad để rảnh rang làm việc của mình.

Cụ thể, thường xuyên kiểm tra trẻ đã và đang xem gì, chơi gì trên mạng một cách khéo léo. Trường hợp thấy con có biểu hiện lo lắng, sợ hãi, cha mẹ cần giải thích cho con hiểu đó chỉ là những thông tin, hình ảnh ảo, không có thực. 

Bên cạnh đó, cần trao đổi với con để thống nhất giới hạn các hoạt động online ví dụ như thời gian vào mạng, các trang web mà con được phép hay không được phép vào.

"Cha mẹ cần hoàn thành trách nhiệm, nuôi dạy, chăm sóc con của mình thay vì oán trách một xã hội không an toàn. Không có một xã hội nào an toàn tuyệt đối và bọn trẻ cần phải biết mọi điều đủ để chăm lo cho bản thân trước khi thực sự tham gia vào bất kể xã hội nào" - TS Vũ Thu Hương nhấn mạnh. 

Nhân vật búp bê Momo hay cụ thể là "Thử thách Momo" (Momo Challenge) được cho là trào lưu đến từ nước Anh từ tháng 8/2018. Trong các đoạn video "Thử thách Momo", nhân vật Momo là một người phụ nữ đầu người thân gà có mái tóc đen, làn da nhợt nhạt, mắt lồi như zombie sẽ có những lời nói hướng dẫn người xem cách tự tử hoặc tự làm hại bản thân. 

Ban đầu, Momo chỉ là một tác phẩm điêu khắc mang tính nghệ thuật của nghệ sĩ Nhật Bản Keisuke Aisawa. Vào tháng 8/2016, tại triển lãm nghệ thuật chủ đề "Ghost Gallery" tại Ginza, tác phẩm này được trưng bày. Tuy nhiên, tác phẩm này sau đó đã trở thành “công cụ” cho một trào lưu khủng khiếp, độc hại và gây ám ảnh với nhiều trẻ nhỏ. Những hình ảnh Momo được "ngụy trang" bên trong clip thiếu nhi và được cho là xuất hiện trên cả YouTube Kids - nền tảng YouTube tùy biến riêng cho trẻ em cùng với những lời đe doạ, nội dung chỉ dẫn tự tử.

 

Ngọc Châu
Theo Đời sống Plus/GĐVN //