Vì sao Trung Quốc như ngồi trên đống lửa khi Mỹ-Hàn hợp lực đối phó Triều Tiên?
Bất chấp phản ứng gay gắt từ cả chính phủ và người dân Trung Quốc, Seoul tiếp tục trấn an Bắc Kinh rằng nước này đồng ý cho Mỹ triển khai THAAD trên đất của mình hoàn toàn là nhằm đối phó với Triều Tiên.
Hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không THAAD có tầm hoạt động lên đến 200km và được thiết kế để đánh chặn các tên lửa đạn đạo ngắn, trung bình ở giai đoạn cuối trước khi những tên lửa này tiếp cận mục tiêu.
Bên cạnh năng lực đánh chặn, hệ thống này cũng đi kèm những cụm radar cực mạnh mà những nước như Trung Quốc và Nga đã nhiều lần tuyên bố là có thể đặt ra mối đe dọa an ninh đối với những lợi ích của mình.
Sự kiện Tập đoàn Lotte đồng ý đổi đất cho quân đội được truyền thông Trung Quốc phản ánh như động thái mang tính biểu tượng cho quyết tâm của Hàn Quốc trong việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại này, bất chấp sự tức giận của Trung Quốc.
Hãng tin Tân Hoa bình luận: “Quyết định này được dự báo sẽ đẩy nhanh những thủ tục còn lại cho việc triển khai THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc”.
Bộ phận đánh chặn trong tổ hợp THAAD được chuyển tới căn cứ Osan, Hàn Quốc, đêm 6/3. Ảnh: Reuters
Trong khi đó, tờ Thời báo Hoàn cầu cho rằng: “Sự kiện này đánh dấu một vòng đối đầu chiến lược mới giữa Nga, Trung Quốc và Mỹ, và là đòn giáng mạnh vào mối tin cậy chiến lược giữa Bắc Kinh và Seoul”.
Yonhap ngày 28/2 dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hàn Quốc Cho June-hyuck nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục nguyên tắc của mình rằng việc triển khai THAAD là hành động mang tính chủ quyền và tự vệ nhằm bảo vệ đất nước và người dân Hàn Quốc trước mối đe dọa tên lửa và hạt nhân từ Triều Tiên”.
Tuy nhiên, theo Giáo sư Kim Jaecheol thuộc Đại học Công giáo Hàn Quốc, trong quan điểm của Trung Quốc thì việc triển khai lá chắn phòng thủ tên lửa của Mỹ trên đất Hàn Quốc chỉ có thể được hiểu là cột mốc đánh dấu sự hình thành của liên minh “tam giác” về quân sự nhằm vào Trung Quốc.
Trung Quốc lo hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD Mỹ triển khai tại Hàn Quốc có thể làm xói mòn khả năng răn đe hạt nhân của nước này. Ảnh: Yonhap
Trung Quốc lâu nay vẫn phản đối Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Hàn Quốc. Hồi tuần trước, ngay sau khi Mỹ đưa một số bộ phận đầu tiên của THAAD tới Hàn Quốc, Trung Quốc lập tức lên tiếng chỉ trích, cảnh báo Washington và Seoul sẽ phải "gánh chịu hoàn toàn hậu quả phát sinh" từ hành động trên.
Trung Quốc còn cấm các hãng lữ hành bán tour du lịch Hàn Quốc, đồng thời đóng cửa một số trung tâm thương mại do Hàn Quốc mở như một cách đáp trả.
Theo New York Times, Trung Quốc phản ứng mạnh mẽ như vậy chủ yếu bởi nỗi lo lắng rằng hệ thống THAAD Mỹ triển khai sẽ làm xói mòn khả năng răn đe hạt nhân mà họ nỗ lực tạo dựng.
Quá trình triển khai THAAD tại Hàn Quốc. Nguồn: Ariang News
Bình luận viên Chris Buckley đánh giá thực chất Bắc Kinh không lo sợ việc THAAD ngăn chặn tên lửa của họ bởi hệ thống này dù cung cấp một "mái vòm" bảo vệ Hàn Quốc nhưng không vươn đủ xa để bắn rơi được các tên lửa đạn đạo liên lục địa Trung Quốc. Thay vào đó, họ chủ yếu phàn nàn về hệ thống radar trong THAAD. Các chuyên gia ở Bắc Kinh cho rằng chúng có thể phục vụ mục đích theo dõi, giám sát các lực lượng tên lửa thuộc quân đội Trung Quốc.
Hệ thống radar THAAD "sẽ thu thập những dữ liệu quan trọng về các đầu đạn hạt nhân Trung Quốc và làm suy yếu khả năng răn đe hạt nhân của chúng ta", Li Bin, chuyên gia về vũ khí hạt nhân tại Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh, tuần trước viết.
Theo Li cũng như một số chuyên gia Trung Quốc khác, radar mà THAAD sở hữu còn có khả năng phát hiện tên lửa nào của Bắc Kinh mang đầu đạn mồi nhằm đánh lạc hướng đối phương. Nếu vậy, Trung Quốc sẽ bị tước đi yếu tố bất ngờ, điều quan trọng làm nên thắng lợi trong một cuộc chiến tranh hạt nhân.