Vì sao người có triệu trứng, người 'âm thầm' mắc bệnh Covid-19?

09-05-2020 07:12:23

Khi nhiễm Covid-19, có bệnh nhân biểu hiện triệu chứng đường hô hấp, có người có các triệu chứng về đường tiêu hóa và một số thì không có triệu chứng nào.


Người nhiễm Covid-19 chia ra làm 2 trường hợp, người có triệu chứng và người âm thầm mắc bệnh. Ảnh minh họa/ VNE

Có nhiều bí ẩn bao quanh Covid-19, nhưng có lẽ bí ẩn lớn nhất là lý do tại sao nó giết chết một số người và hầu như không ảnh hưởng đến những người khác. Bác sĩ nội khoa Natasha Fuksina, làm việc tại astraMDhealth ở New Jersey, đã phần nào lý giải tại sao một số người bị virus corona không có triệu chứng.

BS Fuksina nói rằng giả định hiện tại là 25% quần thể nhiễm Covid-19 "vẫn không có triệu chứng và không bao giờ phát triển các triệu chứng hoặc có kết quả dương tính trên X quang ngực". Tuy nhiên, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng có đến 80% những người nhiễm Covid-19 là "người mang mầm bệnh thầm lặng", không có hoặc chỉ có các triệu chứng rất nhẹ. Lý do của điều này vẫn là một câu hỏi đối với cộng đồng y tế và khoa học.

Mặc dù có thể dễ dàng cho rằng những người mang Covid-19 không có triệu chứng khỏe mạnh hơn những người bị diễn biến xấu hay thậm chí tử vong, nhưng không đơn giản như vậy, BS Fuksina giải thích. "Trong khi bằng trực giác, người ta có thể nghĩ rằng một người thực sự không có triệu chứng là một người khỏe mạnh hơn, có rất nhiều yếu tố ở đây," bà nói.

Thứ nhất, có dấu hiệu cho thấy xét nghiệm Covid-19 không hoàn hảo, đây là một vấn đề quan trọng. Tỷ lệ dương tính giả và âm tính giả đâu đó quãng từ 3 đến 15%, có thể gán cho ai đó là người mang mầm bệnh nhưng thực ra không phải, hoặc coi ai đó là âm tính khi họ nhiễm virus corona.

Ngoài ra, tải lượng virus cũng là vấn đề, nghĩa là người đó phơi nhiễm mức độ nào với virus gây bệnh Covid-19. "Một số nhân viên y tế tuyến đầu bị bệnh nặng khi họ phơi nhiễm với lượng lớn các hạt virus", BS Fuksina giải thích. "Nếu một người hít phải một lượng nhỏ giọt bắn virus và hệ thống miễn dịch của họ có thể phát động một cuộc tấn công thành công vào virus, họ có thể không bao giờ phát triển bất kỳ triệu chứng nào."

Về lý do tại sao Covid-19 biểu hiện triệu chứng ở một số người chứ không phải ở những người khác, BS Fuksina nói: "Tôi nghiêng về suy đoán từ những sự thật đã biết rằng bệnh nhân lớn tuổi và ốm yếu với hệ thống miễn dịch yếu hơn sẽ mắc bệnh nghiêm trọng hơn. Những người có hệ miễn dịch khỏe mạnh hơn cũng sẽ có xu hướng tạo ra phản ứng nhanh hơn và đầy đủ để tiêu diệt virus trước khi nó bắt đầu sao chép và gây nên những triệu chứng nặng”.

212 quốc gia và vùng lãnh thổ hôm nay ghi nhận tổng cộng 4.008.110 ca nhiễm và 275.784 ca tử vong do Covid-19, tăng lần lượt 92.116 và 5.487 so với hôm qua, trong đó 1.377.123 người đã hồi phục, Vnexpress dẫn theo thống kê của WorldoMeters.

Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới với 1.320.272 ca nhiễm, tăng 27.649 ca so với hôm trước. Thêm 1.604 người chết, nâng tổng số trường hợp tử vong lên 78.532.

Mỹ có thể tăng 200.000 ca nCoV mới một ngày vào tháng 6, gấp nhiều lần mức khoảng 25.000 ca/ngày hiện nay, số ca tử vong cũng có thể tăng gấp đôi, lên khoảng 3.000 trường hợp/ngày. Con số này dựa trên mô hình lấy dữ liệu từ Cơ quan Quản lý Tình huống Khẩn cấp Liên bang (FEMA).

Dự báo được đưa ra trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump thúc giục các bang mở cửa trở lại nền kinh tế. Các con số cũng nhấn mạnh thực tế nghiêm trọng rằng những rủi ro đáng kể từ dịch bệnh vẫn tồn tại.

Tây Ban Nha, vùng dịch lớn nhất châu Âu, ghi nhận thêm 229 người chết do nCoV, nâng tổng số lên 26,299, xếp thứ 4 thế giới, sau Mỹ, Anh và Italy. Số ca nhiễm tăng 3.262, lên 260.117.

Chính quyền tiếp tục nới lỏng hạn chế với khoảng một nửa dân số 47 triệu người, cho phép quán bar, nhà hàng và cơ sở tôn giáo ở một số khu vực hoạt động trở lại, tụ tập gia đình, bạn bè 10 người trở xuống và đi lại trong tỉnh từ 11/5. Nhưng hai thành phố lớn nhất Madrid và Barcelona không được nới lỏng.

Italy ghi nhận thêm 1.327 ca nhiễm và 243 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 217.185 và 30.201. Cả hai chỉ số đều giảm so với một ngày trước đó.

Đông Nam Á ghi nhận thêm 1.300 người nhiễm và 24 người chết do nCoV, nâng tổng số của toàn khu vực lên lần lượt hơn 55.000 và 1.800.

Singapore là vùng dịch lớn nhất khu vực với 21.707 ca nhiễm và 20 ca tử vong. Indonesia đứng thứ hai về số ca nhiễm nhưng đứng đầu khu vực về số ca tử vong, lần lượt là 13.112 và 943. Philippines, vùng dịch lớn thứ ba, ghi nhận 10.463 người nhiễm nCoV và 696 người chết.

Việt Nam, Lào, Campuchia và Đông Timor là các nước trong khu vực chưa ghi nhận ca tử vong do nCoV.

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //