Vấn nạn giới trẻ nghiện ma túy: "Hung thần" mang tên ma túy đá

25-06-2021 09:20:27

Theo thống kê của Bộ Công an, điểm chung của người sử dụng ma túy đá và các loại ma túy mới là đều ở lứa tuổi còn rất trẻ, dưới 30 tuổi, thậm chí, nhiều em mới học cấp 2.

Những vụ án đau lòng

Đáng nhức nhối, trong thời gian qua, những vụ trọng án do hung thủ sử dụng ma túy đá gây ra không hiếm. Chắc hẳn dư luận vẫn còn nhớ vụ án ngày 11/3/2019, sau khi chơi ma túy đá, Nguyễn Hoàng Nam (26 tuổi, trú tại xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh) bị ảo giác. Hắn nghĩ hai bên gia đình ngăn cấm mình yêu cô gái ở Long An nên rất tức giận, quyết định "giết hết".

Nam cầm hung khí chạy xe máy xuống nhà cô này; khi gặp bà Trịnh Thị Nết (58 tuổi, bà ngoại của cô gái), hắn đâm chém nhiều nhát khiến nạn nhân tử vong. Sau đó, đối tượng về nhà ở xã Tân Hiệp sát hại mẹ ruột, bà nội và cha ruột. Khi Nam cầm dao chạy đi tìm chị ruột mình để tiếp tục sát hại thì bị cảnh sát bắt.

Ảnh minh họa

Trước đó không lâu, ngày 10/2/2019, trong lúc bị ảo giác, hoang tưởng do hút một loại ma túy dạng cỏ Mỹ, Trương Mạnh Tuấn (trú tại xã Nghi Thạch, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) đã ra tay đoạt mạng cha đẻ và chém trọng thương mẹ và em gái ruột đang mang thai khiến cả hai người trọng thương.

Nhiều vụ án thương tâm đã xảy ra, gióng lên hồi chuông báo động tình trạng gây án bởi ma túy. Đáng nói, tội phạm ma túy gây án vẫn không có chiều hướng thuyên giảm mà ngày càng manh động, liều lĩnh. Vấn đề đáng lo nhất hiện nay là việc gia tăng đột biến số lượng người nghiện ma túy đá. Có những người nằm trong chương trình Methadone rồi nhưng vẫn sử dụng ma túy đá, gây loạn thần, ảo thanh, ảo giác, tự kỷ, không kiểm soát được hành vi của mình.

Đa số người nghiện sử dụng ma túy đá chiếm đến 70-85% trong tổng số người nghiện. Có đến 40% người nghiện heroin có sử dụng ma túy đá và số này có tỷ lệ loạn thần cao gấp gần 10 lần số không sử dụng. Khi những con nghiện lên cơn "ngáo đá" sẽ làm mất an ninh trật tự, an toàn xã hội và hệ lụy là gây ra những vụ án mạng rúng động dư luận.

Ma túy đá – kẻ giết người giấu tay

Ma túy “đá” có tác dụng kích thích nhất thời hệ thống thần kinh trung ương gây hưng phấn và ảo giác hoang tưởng. Khi mới sử dụng ma túy đá thì thấy khỏe khoắn, lâng lâng, tỉnh táo, không cảm thấy đói, mất cảm giác mệt mỏi. Người dùng sẽ bị ảo giác, hoang tưởng không biết mệt mỏi, thức liên tục trong thời gian phê thuốc, không muốn ăn vài ngày, thậm chí vài tuần. Trong thời gian đó, người nghiện ma túy đá sẵn sàng có những hành động điên rồ, gây hại cho bản thân mình và cho người khác, gây ra những vụ án hết sức manh động như cướp của, giết người, hiếp dâm, gây tai nạn giao thông...

Chất kích thích cực mạnh này sẽ biến đổi một người từ bình thường thành tâm thần và không kiểm soát được hành vi, gây ra những hậu quả khôn lường về tài sản và người xung quanh.

Thực trạng đáng báo động rằng, tội phạm về ma túy, hình sự ngày càng trẻ, người sử dụng ma túy cũng trẻ hơn. 15-20 tuổi, khi ấy, não bộ chưa phát triển hoàn thiện, nên ma túy đá sẽ tác động trực tiếp lên hệ thần kinh trung ương và nhanh chóng phá hủy toàn bộ bộ não. Biến chứng thường gặp của người nghiện ma túy đá là mất trí, đi vệ sinh không đúng chỗ, tắm xong bước ra không biết mặc quần áo hay chưa…

Nghe tiếng nói mà người khác không nghe thấy, tiếng nói cảnh báo về ngày tận thế sắp xảy ra, kẻ trộm nấp trong đôi giày màu nâu bên ngoài chờ đợi để giết họ, đám nhện bò trên da... là những biểu hiện loạn thần do ma túy đá mà nhiều người trẻ sẽ phải chung sống cả đời với những ảo giác đó.

Chưa hết đê mê với những cơn “đập đá”, nhiều người phải vào bệnh viện vì bị loạn thần kinh. Không chỉ hủy hoại cuộc đời của những người nghiện, ma túy đá còn làm cho cuộc sống của cả gia đình có người nghiện bị đảo lộn.

Bộ tài liệu "Kỹ năng phòng, chống ma túy" do Viện nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD) biên soạn

Bác sĩ Trần Mạnh Cường (Khoa Điều trị Nghiện chất, Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, hiện nay tại Việt Nam đang tồn tại 3 loại ma túy tổng hợp phổ biến đó là: ma túy đá, hồng phiến và thuốc lắc.

Trong 3 loại ma túy tổng hợp nêu trên, ma túy đá được coi là loại ma túy tổng hợp gây nguy hiểm cao nhất đối với người sử dụng, gây nghiện rất mạnh và đang được các con nghiện sử dụng với nhu cầu rất cao.

Ngay khi sử dụng, ma túy đá sẽ tác động trực tiếp gây kích thích hệ thần kinh trung ương và có thể tạo ảo giác trong một thời gian dài. Từ đó, người nghiện sẽ thực hiện những việc làm khác thường, không thể kiểm soát được hành vi như: tự cào cấu, gào thét, chạy xe quá tốc độ...

Hầu hết người sử dụng ma túy đá đều rơi vào tình trạng rối loạn giấc ngủ. Bệnh nhân thường gặp tình trạng này ngay sau khi sử dụng, mất ngủ khoảng 2-3 ngày liên tục. Sau đó, họ lại ngủ bù trong cùng khoảng thời gian đó. Theo bác sĩ Cường, đây cũng là dấu hiệu quan trọng để thân nhân nhận biết con em mình có khả năng sử dụng ma túy đá hay không.

Sau một thời gian hưng phấn cao độ do ma túy đá mang lại, dân chơi ma túy đá thường rơi vào trạng thái mệt mỏi, ăn uống kém, cơ thể bệ rạc, bơ phờ, các cơ quan sinh học nội tạng nhanh chóng bị suy yếu, kiệt quệ.

Sau nhiều năm tích cực tiến hành khảo sát, nghiên cứu cùng với sự tâm huyết của tập thể gồm 27 nhà khoa học thuộc nhiều lĩnh vực, mới đây Viện Nghiên cứu Ứng dụng Phòng chống ma túy (PSD) đã hoàn thành bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy” cho giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và cha mẹ, học sinh cấp THCS, THPT và được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định.

Bộ tài liệu “Kỹ năng phòng, chống ma túy” gồm 4 cuốn: Kỹ năng phòng, chống ma túy cho học sinh trung học cơ sở; Kỹ năng phòng, chống ma túy cho học sinh trung học phổ thông, Kỹ năng phòng, chống ma túy dành cho cha mẹ học sinh; Kỹ năng phòng, chống ma túy dành cho giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. 

Bộ tài liệu trang bị cho người đọc kiến thức cơ bản và nâng cao về ma túy, cách thức nhận biết các chất ma túy, dấu hiệu nhận biết người sử dụng ma túy đồng thời trang bị kỹ năng ứng phó với những tình huống nguy cơ liên quan đến hành vi sử dụng ma túy cho học sinh, cha mẹ học sinh, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.

 

N.H
Theo Giáo dục & Thời đại //