Ủy viên Bộ Chính trị chủ động từ chức khi cấp dưới tham nhũng

03-10-2018 13:48:35

Đây là một trong những điểm nổi bật trong dự thảo Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên BCH TƯ.

Một trong các nội dung quan trọng của Hội nghị Trung ương 8 là bàn dự thảo Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.

Dự thảo được xây dựng ngắn gọn với 4 điều. Trong đó, điều 1 quy định tất cả cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH Trung ương phải gương mẫu chấp hành cương lĩnh, Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước.

Đồng thời nghiêm túc thực hiện quy định về: "Những điều đảng viên không được làm", "Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp", "Một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương cùa cán bộ, đảng viên".

Từng ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, TƯ chủ động từ chức khi bản thân không đủ điều kiện, uy tín hoặc để địa phương, cơ quan, đơn vị mình phụ trách không hoàn thành nhiệm vụ chính trị, hoặc để xảy ra mất đoàn kết kéo dài, hoặc để cán bộ cấp dưới trực tiếp tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng phải xử lý bằng pháp luật.


Ảnh: VGP News

Dự thảo cũng quy định, từng ủy viên phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa thành tích, "tư duy nhiệm kỳ", công thần, tự cao, tự đại, háo danh, phô trương, "đánh bóng" tên tuổi...

Đồng thời, kiên quyết chống đoàn kết xuôi chiều, cục bộ, bè phái, kèn cựa địa vị, tranh chức, tranh quyền; độc đoán, gia trưởng, cơ hội, thực dụng, nịnh trên, nọt dưới; quan liêu, xa dân, gây phiên hà, hách dịch với nhân dân; lợi dụng tập thể để trốn tránh trách nhiệm hoặc lấy danh nghĩa tập thể thực hiện ý đồ cá nhân.

Từng ủy viên phải kiên quyết chống lạm quyền, lộng quyền, tham vọng quyền lực; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong đề xuất, ban hành cơ chế, chính sách để trục lợi; lợi ích cục bộ, thông đồng, thỏa hiệp, tạo cơ chế "xin - cho", "duyệt - cấp".

Cùng với đó, chống việc can thiệp không đúng thẩm quyền vào công tác thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án…

Một trong những nội dung quan trọng, nổi bật là quy định ở điều 2 nêu gương trách nhiệm của các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH Trung ương.

Theo đó, các Ủy viên phải luôn đặt lợi ích quốc gia - dân tộc là tối thượng. Hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Hy sinh lợi ích cá nhân, lấy sự hài lòng, ấm no, hạnh phúc của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu.

Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH Trung ương không ngại khó, ngại khổ, sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Quyết đoán, quyết liệt giải quyết dứt điểm các vấn đề phức tạp, bức xúc, tồn đọng kéo dài; xử lý nhanh, hiệu quả những tình huống khẩn cấp, bất ngờ.

Các Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, BCH Trung ương đề cao nhân cách, đạo đức trong lãnh đạo, quản lý; thường xuyên đổi mới tư duy, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm…


Xem thêm: Thế giới nói gì về xe Vinfast của Việt Nam

Hạnh Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //