Uống rượu bia lái xe máy sẽ bị phạt, không cần ngưỡng

09-08-2019 16:38:38

Nếu dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt được thông qua thì từ nay tài xế lái xe máy cứ uống rượu bia lái xe dù ít hay nhiều đều bị phạt.


Dự thảo lần 2 tăng hình phạt đối với tài xế ô tô vi phạm nồng độ cồn của tài xế. Ảnh minh họa.

Bộ GTVT vừa đưa ra lấy ý kiến Dự thảo lần 2 Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt. Trong đó, dự thảo đề xuất tăng nặng nhiều hành vi vi phạm có tính chất đặc biệt nguy hiểm đến ATGT và bổ sung thêm nhiều hành vi xử phạt.

Đáng chú ý, dự thảo đề xuất tăng nặng mức xử phạt với các hành vi vi phạm có tính chất nguy hiểm đến ATGT như: Vi phạm nồng độ cồn, ma túy, các hành vi vi phạm trên đường cao tốc.

Đặc biệt, đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn, dự thảo đề xuất tăng nặng mức xử phạt vi phạm ở mức 2 và mức 3 đối với người khiển ô tô và mức 3 đối với người điều khiển xe máy. Cụ thể: Với tài xế ô tô, Bộ GTVT chia thành các mức phạt khác nhau, và tăng mức phạt tối đa lên gấp đôi so với quy định hiện hành.

Nếu tài xế ô tô trong máu có nồng độ cồn chưa vượt quá 50 mg/100 mililít máu, hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền 6-8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 10 - 12 tháng. Nếu mức vi phạm nồng độ cồn từ 50 - 80 mg/100 mililít máu, hoặc vượt quá 0,25 - 0,4 mg/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 16-18 triệu đồng, rút giấy phép lái xe 16-18 tháng.

Nếu tài xế ô tô có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 mililít máu, hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở sẽ bị phạt tối đa từ 30-40 triệu đồng (tăng gấp đôi hiện hành), rút giấy phép lái xe 22-24 tháng. Mức phạt này cũng áp dụng với tài xế chống đối, không chấp hành đo nồng độ cồn, ma tuý, tài xế bị phát hiện sử dụng ma tuý.

Với tài xế xe máy, theo quy định hiện nành, chỉ bị phạt hành chính khi trong hơi thở có nồng độ cồn từ 0,25 mg/1 lít khí thở (tương đương uống 1 chai bia). Tuy nhiên, theo Luật Phòng chống tác hại rượu bia sắp có hiệu lực, cấm tài xế sử dụng rượu bia (bất kể số lượng), nên Bộ GTVT cũng bổ sung quy định này.

Lái xe máy có nồng độ cồn sẽ bị phạt mà không cần ngưỡng. Ảnh minh họa.

Cụ thể, tài xế mô tô, xe máy (kể cả xe máy điện) bị phạt từ 2-3 triệu đồng nếu lái xe khi trong máu có nồng độ cồn chưa vượt quá 50 mg/100 ml máu (hoặc chưa vượt quá 0,25 mg/1 lít khí thở). Đồng thời tước giấy phép lái xe từ 10 - 12 tháng.

Nếu trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 - 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,25 - 0,4 mg/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 4-5 triệu đồng (tăng 1-2 triệu đồng so với hiện hành); rút giấy phép lái xe 16 - 18 tháng.

Nếu trong máu có nồng độ cồn vượt quá 80 mg/100 ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền 6-8 triệu đồng (tăng 2-4 triệu đồng), rút giấy phép lái xe 22 - 24 tháng.

Một điểm mới đáng chú ý khác là các hành vi vi phạm trên đường cao tốc quy định tại Nghị định 46 đang gộp chung tại một điều với mức xử phạt chung từ 800 nghìn đến 1,2 triệu đồng và tước GPLX 1- 3 tháng. Tại dự thảo lần này, Bộ GTVT đề xuất tách ra thành nhiều hành vi khác nhau với mức xử phạt tăng nặng.

Cụ thể, dự thảo Nghị định tách hành vi lùi xe trên cao tốc thành một điểm riêng với mức phạt tiền từ 16 - 18 triệu đồng và tước quyền sử dụng GPLX từ 4 - 6 tháng. Bên cạnh đó, hành vi điều khiển xe đi ngược chiều trên đường cao tốc, cũng được đề xuất mức xử phạt tương tự. Hành vi quay đầu xe trên đường cao tốc cũng được tách thành điểm riêng với mức xử phạt tăng nặng lên 7 - 8 triệu và tước GPLX từ 4 - 6 tháng.

Tại dự thảo Nghị định lần này, nhóm hành vi vi phạm đi không đúng phần đường, làn đường; đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều”; các hành vi, nhóm hành vi vi phạm quy định về kết cấu hạ tầng đường bộ; các hành vi, nhóm hành vi vi phạm quy định về vận tải đường bộ... cũng được tăng nặng mức xử phạt so với trước.

Minh Trang (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //