Uống bia và rượu, loại nào nguy hiểm hơn?

04-05-2019 06:57:00

Không ít người cho rằng người uống bia ít nguy hại hơn người uống rượu. Tuy nhiên, chuyên gia Y tế lại đưa ra một con số khiến người hay bia rượu phải giật mình.


Hình ảnh chiếc xe do một tài xế sử dụng rượu bia điều khiển gây tai nạn nghiêm trọng tại hầm Kim Liên ngày 1/5.

Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng bởi người lái xe uống rượu bia gây bức xúc trong xã hội. Những cái chết thương tâm của các nạn nhân trong các vụ tai nạn chính là hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai đã và đang điều khiển xe sau khi uống rượu bia. 

Tuy nhiên, vẫn có không ít người cho rằng chỉ uống 1-2 chén rượu hoặc vài ly bia thì không ảnh hưởng gì khi điều khiển xe. Vậy uống bia rượu bao nhiêu thì có nguy cơ gây tai nạn?

Sai lầm khi cho rằng bia ít nguy hại hơn rượu

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, do rượu làm giảm khả năng phản ứng, hạn chế khả năng phối hợp giữa các bộ phận cơ thể, giảm thị lực và gây buồn ngủ. 

Nghiên cứu cho thấy, người điều khiển mô tô, xe máy có nồng độ cồn trong máu trên 50mg/dl có nguy cơ gặp tai nạn giao thông cao gấp 40 lần so với người không sử dụng. Rượu bia cũng được xếp vào hàng thứ ba trong số các nguyên nhân dẫn đến tử vong sớm và tàn tật trên thế giới.

Bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho biết thêm: nam giới nặng 54 kg nếu uống 2 đơn vị rượu (20gr cồn nguyên chất tương đương với 2 lon bia 330ml độ cồn 5%, 2 chén rượu mạnh 15ml độ cồn 40%, 2 ly rượu vang 30ml độ cồn 17% thì sẽ đạt khoảng 50mg/dl.

TS. Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho biết, nếu uống 6 cốc bia trong một dịp/lần sẽ rất nguy hại -  đó là uống rượu bia quá độ. Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cũng chỉ ra rằng nhiều người khi sử dụng rượu bia vẫn còn có sự nhầm lẫn khi cho rằng, người uống bia ít nguy hại hơn người uống rượu. 

“Cách hiểu này hoàn toàn sai lầm. Bởi, các tác hại của rượu bia không phụ thuộc vào loại hình đồ uống mà phụ thuộc vào tổng khối lượng ethanol và hình thức uống. Khi uống 350ml bia hơi với nồng độ 4%,  tức là uống 10 gram cồn, tương đương với việc uống 1 ly rượu vang 13,5 độ, hoặc 30ml rượu mạnh. Như vậy, không có ngoại lệ nào quy định về rượu bia trên các loại hình đồ uống”, TS Kidong Park nhấn mạnh.


Thông điệp “Đã uống rượu bia - không lái xe" được lan tỏa rộng rãi trong những ngày qua

Rượu bia là nguyên nhân trực tiếp của hơn 30 loại bệnh không lây nhiễm

Không chỉ gây tai nạn cho chính mình và người khác, uống rượu bia còn gây ra nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm khác. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, Nguyễn Trường Sơn sử dụng rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp của hơn 30 loại bệnh không lây nhiễm và là nguyên nhân của gần 200 loại bệnh tật khác nhau. 

Theo đó, một số bệnh/thương tích chính do sử dụng rượu bia gồm: Bệnh tim mạch, sử dụng rượu bia tăng nguy cơ gây ra các bệnh tim mạch như đột quỵ, suy tim, cao huyết áp và phình động mạch chủ.

Bệnh tiêu hóa/rối loạn tiêu hóa. Tiêu thụ rượu quá mức gây tổn thương gan, xơ gan, làm trầm trọng các tổn thương do virus viêm gan C, viêm tụy cấp tính và mãn tính.

Sử dụng rượu bia còn tác động nghiêm trọng đến lĩnh vực kinh tế - xã hội như: Bạo lực gia đình, mất trật tự an toàn xã hội, tội phạm, đói nghèo và gánh nặng về kinh tế đối với cá nhân, gia đình và toàn xã hội do liên quan đến các  phí tổn về chăm sóc sức khỏe giảm hoặc mất năng suất lao động và giải quyết các hậu quả xã hội khác.

Vì vậy, tại Hội thảo xây dựng chính sách về phòng, chống tác hại của rượu bia do Bộ Y tế và tổ chức y tế thế giới WHO tổ chức cuối tháng 4 vừa qua WHO đã đưa ra nhiều khuyến nghị trong đó đáng chú ý là tăng thuế về đồ uống có còn, hạn chế quảng cáo đồ uống và thực thi hạn chế giờ bán rượu bia đặc biệt cấm uống rượu bia khi tham gia giao thông.

Mai Anh
Theo Đời sống Plus/GĐVN //