Ung thư miệng vì thói quen ăn trầu khi lái xe
Suốt 20 năm nay người đàn ông có thói quen nhai trầu để giữ tinh thần tỉnh táo trong khi lái xe. Thời gian gần đây, miệng của ông bị loét ngày càng nặng, các bác sĩ chẩn đoán ông mắc ung thư miệng.
Theo nguồn tin trên Dân trí, ông L. (50 tuổi, làm nghề lái xe tại Đài Loan, Trung Quốc), cũng giống như các đồng nghiệp của mình, suốt 20 năm nay ông có thói quen nhai trầu để giữ tinh thần tỉnh táo trong khi lái xe.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, ông L. bất ngờ phát hiện miệng của mình bị loét. Đáng ngại hơn, sau khi bôi các loại thuốc chống viêm loét nhưng tình trạng vẫn không được cải thiện. Đi khám tại bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán ông bị u ác tính ở miệng.
Ông L. được điều trị bằng cách phẫu thuật kết hợp cùng xạ trị để ngăn ung thư tái phát. Sau đợt điều trị, mặc dù có thể trở lại cuộc sống bình thường nhưng ngoại hình của ông đã bị thay đổi, khó phát âm, nuốt kém.
Ung thư miệng là bệnh ác tính có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trong khoang miệng như lợi, lưỡi, môi, má, vòm việng, sàn miệng. Do triệu chứng bệnh khá giống với các bệnh lý viêm nhiễm tại miệng, nên người bệnh thường đến bệnh viện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn, do đó việc điều trị trở nên khó khăn, tốn kém mà hiệu quả không cao.
Nguyên nhân gây bệnh ung thư miệng
Các yếu tố nguy cơ cao gây ung thư miệng bao gồm:
Thói quen sống
- Hút thuốc lá và uống rượu: Đây là 2 nguyên nhân chính dẫn đến các ung thư ở đầu cổ trong đó có ung thư khoang miệng.
- Thói quen ăn trầu thuốc, răng lệch lạc, vệ sinh răng miệng kém... gây nên những tổn thương cơ học trong khoang miệng tạo điều kiện thuận lợi cho ung thư phát triển.
Bệnh tật
- Nhiễm virus Herpes, HPV (Human Papilloma Virus), hội chứng Xeroderma pigmentosum, thiếu máu Fanconi...
- Các tổn thương tiền ung thư khác trong khoang miệng như bạch sản, hồng sản, viêm nấm candida quá sản mạn tính, các vết loét do sang chấn liên tục kéo dài...
Triệu chứng sớm của bệnh thường dễ nhầm lẫn với các bệnh viêm nhiễm khoang miệng thông thường nên làm người bệnh chủ quan. Tuy nhiên, nếu để ý và phát hiện bất thường sớm (dễ phát hiện vì khoang miệng cho phép quan sát trực tiếp và có triệu chứng tại chỗ) thì việc đi khám và tìm nguyên nhân gây bệnh, điều trị sẽ hiệu quả hơn vì bệnh phát triển và di căn nhanh.
Những dấu hiệu điển hình của bệnh ung thư miệng
Những triệu chứng thực thể quan trọng để xác định chính xác ung thư khoang miệng là:
Tổn thương loét
Có các vùng tổn thương nhô lên, có thể loét đơn thuần hoặc có những nhú phủ trên những mảnh tổ chức hoại tử có mùi hôi thối, dễ chảy máu, cứng chắc, ít hoặc không di động và có thể thấy lan ra các vùng và tổ chức xung quanh.
Tổn thương sùi
Vùng tổn thương thường nhô lên như hình súp - lơ, có thể kết hợp tổn thương loét, và chảy máu. Để xác định bệnh biện pháp sinh thiết thường được áp dụng. Khi có tổn thương cần đi khám ngay, tránh nhiều trường hợp bệnh nhân loét miệng kéo dài, chủ quan không đến khám mà để lâu, đến khi phát hiện ra bệnh thường giai đoạn cũng khá muộn, do các ung thư trong khoang miệng di căn khá sớm.
Di căn ung thư
Tế bào ung thư di căn vào các hạch đầu mặt cổ thường xảy ra sớm, đặc biệt là với những ung thư của lưỡi và sàn miệng. Sớm nhất là di căn vào các nhóm hạch vùng dưới cằm, dưới bờ hàm và hạch cổ, có thể di căn 1 bên hoặc di căn 2 bên.
Hạch di căn to dần gây chèn ép đường thở, xâm lấn vào các mạch máu lớn gây khó thở, đau đầu. Trong đó, hoại tử gây chảy máu ồ ạt vùng hàm mặt là nguyên nhân dẫn đến tử vong nhanh nhất.
Các giai đoạn của bệnh ung thư miệng
Bệnh ung thư không tự nhiên xuất hiện mà có một thời gian ủ bệnh lâu dài cùng các thói quen, các yếu tố nguy cơ đi cùng với người bệnh trong thời gian dài. Để đến khi phát hiện bệnh thì lúc khai thác tiền sử bệnh mới gợi lại về thời gian mà bệnh hình thành.
Giai đoạn sinh vật
Giai đoạn này có thể kéo dài 8 - 10 năm, là giai đoạn khởi đầu. Chủ yếu là xảy ra biến đổi về gen, thay đổi cấu trúc tế bào. Giai đoạn này rất khó phát hiện và hiện nay người ta đang tập trung nghiên cứu để tìm các gene có nguy cơ gây bệnh và điều trị ung thư dự phòng khi có những biến đổi ung thư ở gene.
Giai đoạn tiền ung thư
Giai đoạn này tiến triển trong 1 - 2 năm. Giai đoạn này bắt đầu biểu lộ ở mô bề mặt và bắt đầu lộ các triệu chứng ra ngoài, qua thăm khám sớm có thể phát hiện được.
Ở giai đoạn tiền ung thư, các tế bào ung thư vẫn chưa di căn nên có thể điều trị khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, các triệu chứng nghèo nàn có thể gây khó khăn trong việc phát hiện bệnh.
Giai đoạn lâm sàng
Khi khối u đã to với đường kính khoảng 1 cm. Ở giai đoạn này, bệnh đã biểu hiện ra ngoài, u có thể phát triển nhanh hay chậm, di căn sớm hay muộn phụ thuộc rất nhiều vào từng loại ung thư. Nếu được phát hiện sớm việc điều trị vẫn có hi vọng thành công.
Phương pháp điều trị ung thư miệng
Điều trị ung thư miệng hiện tại có 3 biện pháp chủ yếu là phẫu thuật, xạ trị và hóa trị. Với các ung thư miệng đến sớm, việc điều trị có thể tiến hành bằng phẫu thuật cắt bỏ khối u.
Tùy theo tiến triển của khối u mà áp dụng các mức độ điều trị phẫu thuật khác nhau như cắt bỏ khối u đơn thuần; cắt u và nạo vét hạch cổ; cắt u, nạo vét hạch cổ kèm phẫu thuật tái tạo.
Xạ trị
Xạ trị được sử dụng phối hợp trước hoặc sau phẫu thuật để tăng thêm hiệu quả điều trị. Tuy nhiên, trong quá trình điều trị nó cũng gây ra nhiều tác dụng phụ như khô miệng, sâu răng, loét, chảy máu khoang miệng, hoại tử xương hàm...
Hóa trị liệu
Phương pháp này có thể dùng phối hợp với xạ trị để làm tăng tác dụng của xạ trị. Việc điều trị có thể gây ra những tác dụng phụ như buồn nôn, nôn, rụng tóc.
Các biện pháp ngăn ngừa bệnh ung thư khoang miệng
Để phòng ngừa ung thư miệng cần áp dụng các biện pháp sau:
- Bỏ thuốc lá, hạn chế uống rượu bia để tránh cho các tế bào khoang miệng tiếp xúc hóa chất gây ung thư
- Tăng cường ăn các loại rau và hoa quả giàu vitamin, đặc biệt là cà rốt
- Với ung thư môi, để phòng ngừa nên tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá nhiều, nên dùng kem bảo vệ môi và kem chống nắng khi đi ra nắng
- Khám răng miệng định kỳ 6 tháng 1 lần ở các cơ sở chuyên khoa răng hàm mặt.