Tự ý chữa trị khi mắc Covid-19 làm tăng nguy cơ đột biến virus

10-05-2020 20:57:28

Việc người dân tự mua thuốc sử dụng gây tình trạng thiếu hụt thuốc thực sự cần cho người bệnh, đồng thời làm tăng nguy cơ kháng thuốc, đột biến chủng virus gây Covid-19.


Tự ý chữa trị khi mắc Covid-19 làm tăng nguy cơ đột biến virus. Ảnh minh họa

ThS.BS Kim Phúc Thành - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện quận Thủ Đức (TP.HCM) - cho hay Covid-19 đang là mối nguy lớn nhân loại phải đối mặt. Đến nay, thế giới vẫn chưa có vaccine phòng căn bệnh này.

Trong khi đó, thông tin về một số thuốc kháng virus, kháng sinh có thể dùng điều trị Covid-19 đang được lan truyền trên mạng xã hội khiến tình hình càng thêm phức tạp. Chẳng hạn Chloroquine hoặc dẫn xuất của nó là Hydrochloroquine, được dùng trong điều trị sốt rét hoặc kết hợp điều trị trong xuất huyết giảm tiểu cầu, một số bệnh tự miễn đang bị thiếu hụt do một bộ phận người dân tự mua để dự phòng Covid-19, Zing news đưa tin.

"Cần khẳng định rằng hiện chưa có dữ liệu đánh giá hiệu quả của thuốc này trong điều trị hoặc dự phòng Covid-19. Ngoài ra, việc dùng thuốc này quá liều hoặc không đúng cách còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe", bác sĩ Thành khẳng định.

Phần lớn loại thuốc kháng virus hiện nay đều nhắm vào đích xác các virus, tức là những thành phần cấu tạo nên virus như các enzyme, protein ở bề mặt. Bằng cách tấn công các phần khác nhau của virus, thuốc kháng virus có thể ngăn cản chúng xâm nhập tế bào hoặc can thiệp vào quá trình tự nhân bản của virus.

Thuốc LPV/r trong điều trị HIV và các thuốc kháng virus khác vẫn còn trong quá trình nghiên cứu. Việc người dân tự mua thuốc, tự dùng gây tình trạng thiếu hụt thuốc thực sự cần cho người bệnh, đồng thời làm tăng nguy cơ kháng thuốc, nguy cơ đột biến cho chủng virus gây Covid-19.

Kháng sinh lại càng không có tác dụng chống lại virus. Kháng sinh chỉ để sử dụng trong trường hợp người bệnh bị nhiễm trùng kết hợp. Người dân cũng không nên sử dụng kháng sinh như biện pháp phòng ngừa hoặc điều trị Covid-19.

Bác sĩ Thành cho biết phác đồ điều trị Covid-19 hiện nay chủ yếu là giảm triệu chứng, nâng cao sức đề kháng của người bệnh và điều trị bệnh nền để không làm diễn tiến nặng, khó kiểm soát hơn.

Việc điều trị, kiểm soát tốt bệnh nền cho người mắc Covid-19 cũng gặp rất nhiều khó khăn. Đa phần người có bệnh nền là lớn tuổi, cơ thể đang ở giai đoạn không có sức chống lại bệnh tật.

Khi các đối tượng này không may mắc Covid-19, việc điều trị đã khó càng thêm khó. Trong đó, các biến chứng phổ biến nhất là suy đa cơ quan, suy hô hấp... dễ dàng dẫn đến tử vong.

Tính đến ngày 10/5, Bộ Y tế không ghi nhận ca nhiễm mới. Số ca điều trị còn 47.  Bộ Y tế không ghi nhận ca dương tính nCoV, đánh dấu ngày thứ 24 không lây nhiễm trong cộng đồng.

Tổng số ca nhiễm 288, trong đó 241 người khỏi bệnh. 47 bệnh nhân đang điều trị, đa số sức khỏe ổn định, trong đó 4 ca âm tính lần một, 13 ca âm tính lần hai trở lên. Một bệnh nhân nguy kịch là phi công Anh, hai phổi đông đặc. Hôm nay, Tiểu ban Điều trị, Bộ Y tế, dự kiến sẽ hội chẩn liên bệnh viện để đánh giá khả năng ghép phổi cho bệnh nhân này, Vnexpress đưa tin.

Hơn 11.000 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch được cách ly theo dõi sức khỏe. Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện là 180, tại cơ sở tập trung hơn 6.000, số còn lại tại nhà hoặc nơi lưu trú. Đến nay Covid-19 đã xuất hiện tại hơn 210 quốc gia và vùng lãnh thổ, hơn 4 triệu ca nhiễm, trong đó gần 276.000 ca tử vong.

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //