Đã có trẻ 6 tuổi tử vong vì bạch hầu, tham khảo ngay dấu hiệu nhận biết sớm dưới đây
Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn nguy hiểm. Hiện đã ghi nhận trường hợp tử vong vì bệnh bạch hầu vì thế mọi người cần hết sức lưu ý những dấu hiệu nhận biết bệnh bạch hầu sớm để bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình.
Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên nơi vừa ghi nhận 1 trường hợp bệnh nhi tử vong do bệnh bạch hầu.
Trưa 29/8 vừa qua, Bệnh viện đa khoa vùng Tây Nguyên tiếp nhận bệnh nhân H’Si Yan (6 tuổi, trú buôn H’ring, xã Ea H'ding, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk) trong tình trạng tỉnh táo, tiếp xúc tốt, thở khò khè, họng có nhiều giả hạc trắng, bóc ra chảy máu.
Đến 14h30’ cùng ngày, bệnh nhân chuyển nặng, tiên lượng xấu, theo dõi bạch hầu. Đến khuya cùng ngày, bệnh nhân lên cơn khó thở, phản xạ kém, chẩn đoán bạch hầu thanh quản, suy hô hấp cấp độ 4.
Rạng sáng 30/8, bệnh nhân H’Si Yan tử vong. Sau khi phát hiện dịch bạch hầu như trên, ngành Y tế tỉnh Đắk Lắk đã cấp thuốc uống đặc trị cho hơn 1.000 người dân sống gần nhà bệnh nhân tử vong và lập khu vực cách ly, phun hóa chất khử trùng.
Các chuyên gia y tế cảnh báo dịch bệnh bạch hầu sẽ còn diễn biến phức tạp. Vì vậy, mọi người nhất là các bậc phụ huynh có con nhỏ cần hết sức lưu ý các dấu hiệu nhận biết sớm cũng như cách phòng chống bệnh bạch hầu.
Khu vực nhà nạn nhân được sát trùng. Ảnh: Bảo vệ pháp luật.
Các dấu hiệu nhận biết sớm bệnh bạch hầu
Khi mắc bệnh bạch hầu, bệnh nhân thường có một số dấu hiệu như sau:
- Sốt nhẹ, đau đầu, viêm họng giống như viêm amidan, dẫn tới khó thở, đau họng, chán ăn.
- Ho, giọng nói khàn, sổ mũi, hơi thở hôi.
- Da trở nên sạm đen, hay hồi hộp, lo lắng, đánh trống ngực.
- Sau khi xuất hiện triệu chứng khoảng 2-3 ngày, ở trong họng, thanh quản, mũi xuất hiện màng giả có màu trắng ngà. Màng giả bạch hầu này dai, dính và khi bóc màng giả sẽ gây chảy máu. Khi đó, màng giả có thể có màu xám hoặc đen.
Màng giả trắng ở hầu họng là dấu hiệu đặc trưng của bệnh bạch hầu. Hình minh họa.
Tuỳ từng vị trí vi khuẩn phát sinh mà bệnh có những biểu hiện lâm sàng khác nhau:
- Bạch hầu mũi: Thường bắt đầu bằng chảy nước mũi nhẹ một hoặc hai bên, kéo dài mấy ngày liền, có khi nước mũi lẫn máu làm loét môi và có mùi hôi. Triệu chứng toàn thân có thể nhẹ nhưng vẫn có thể hình thành một màng ở vách mũi. Bệnh thường gặp ở trẻ còn bú.
- Bạch hầu họng: Trẻ đột ngột đau họng, nhức đầu và khó chịu, đồng thời mạch quá nhanh so với tình trạng sốt nhẹ. Khám họng có thể dễ dàng nhìn thấy màng giả màu trắng xám ở họng. Nếu bóc lớp màng này sẽ gây chảy máu (đó chính là một đặc điểm của màng giả bạch hầu).
- Bạch hầu thanh quản: Thường do bạch hầu họng lan xuống, bệnh gặp ở trẻ còn bú. Triệu chứng bắt đầu là tiếng ho khàn, rồi thở rít, co kéo hõm ức, vẻ mặt sợ hãi. Dấu hiệu khó thở ngày càng tăng, nếu không xử lý kịp có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng là một trong những cách phòng bệnh bạch hầu hiệu quả.
Nhiều bệnh nhân đang được cách ly, theo dõi tại bệnh viện sau khi bệnh nhi 6 tuổi tử vong vì bệnh bạch hầu. Ảnh: báo Đăk Lắk
Cách phòng chống bệnh bạch hầu
Những người chưa tiêm phòng vacxin, người có sức đề kháng kém dù đã tiêm phòng vacxin... khi tiếp xúc với mầm bệnh vẫn có thể mắc bệnh. Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
- Đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu đầy đủ, đúng lịch.
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
- Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
- Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
- Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.