Từ vụ 24 người nghi phơi nhiễm HIV ở Kon Tum, học ngay 7 bước xử lý khẩn cấp
Trong trường hợp cấp cứu người gặp nạn bị HIV, chúng ta sẽ có khả năng bị phơi nhiễm HIV. Do đó, mỗi người cần biết cách xử trí khi bị phơi nhiễm HIV để tự bảo vệ mình.
Phơi nhiễm HIV là gì?
Theo bác sĩ Hoàng Hải Hà (khoa Nội của Bệnh viện 09), thuật ngữ phơi nhiễm HIV để chỉ việc người không bị bệnh tiếp xúc niêm mạc hoặc da với dịch cơ thể, mô hoặc máu của người khác dẫn đến nguy cơ lây nhiễm HIV.
Sự việc 24 người có nguy cơ bị phơi nhiễm HIV ở Kon Tum gây xôn xao dư luận. Ảnh Zing News
Các trường hợp bị phơi nhiễm HIV trong cuộc sống thường là do chất dịch hoặc máu của người có HIV bắn vào niêm mạc (mắt, mũi, họng) và các vùng da bị tổn thương; bị tổn thương qua da do ống đựng máu hoặc chất dịch của bệnh nhân bị vỡ đâm vào; vết thương do dao mổ hoặc các dụng cụ sắc nhọn đâm, chọc vào gây chảy máu; bị kim đâm vào trong lúc lấy máu làm xét nghiệm hoặc khi thực hiện thủ thuật y tế tiêm truyền; do người nghi nhiễm HIV cắn; quan hệ tình dục không an toàn;…
Khả năng bị phơi nhiễm cũng xảy ra trong trường hợp bị kim tiêm đã qua sử dụng có máu chứa virus HIV đâm vào người hoặc với những người đang làm nhiệm vụ bắt tội phạm, cấp cứu nạn nhân bị tai nạn giao thông như công an, bác sĩ,…
Trong đó, nguy cơ phơi nhiễm HIV chỉ cao trong trường hợp máu và chất dịch của người bệnh HIV bắn vào vết thương, niêm mạc bị loét hở từ trước; chảy máu nhiều hoặc tổn thương qua da sâu. Với các vết trầy xước nông, chảy ít hoặc không chảy máu; máu và chất dịch cơ thể bắn vào niêm mạc không bị thương tổn thì nguy cơ phơi nhiễm rất thấp.
Trường hợp máu và chất dịch cơ thể của người bị bệnh bắn vào vùng da lành không bị tổn thương, chúng ta sẽ không có nguy cơ phơi nhiễm HIV. Theo bác sĩ Hà, trong thực tế, không phải trường hợp nào bị phơi nhiễm HIV cũng đồng nghĩa với việc bị nhiễm HIV.
Phơi nhiễm HIV có thể xảy ra cả trong và ngoài môi trường nghề nghiệp. Ảnh minh họa
Cách xử trí khi bị phơi nhiễm HIV
- Bước 1: Xử lý vết thương tại chỗ bằng cách rửa kỷ bằng xà phòng dưới vòi nước sạch đang chảy, để vết thương tự chảy máu ra ngoài trong một thời gian ngắn thay vì bóp nặn.
Cách xử lý phơi nhiễm HIV qua niêm mạc mũi, miệng: Súc miệng nhiều lần bằng NaCl 0,9% và rửa mũi nhiều lần bằng NaCl 0,9% hoặc nước cất.
Cách xử lý phơi nhiễm HIV qua niêm mạc mắt: Rửa mắt liên tục trong vòng 5 phút với NaCl 0,9% hoặc nước cất. Nếu có điều kiện, hãy sử dụng vòi rửa mắt khẩn cấp.
- Bước 2: Báo cáo người phụ trách và làm biên bản ghi chú đầy đủ ngày, giờ.
- Bước 3: Đánh giá nguy cơ phơi nhiễm HIV theo diện tích tiếp xúc và mức độ tổn thương.
- Bước 4: Xác định tình trạng HIV của nguồn gây phơi nhiễm.
- Bước 5: Xác định tình trạng HIV của người bị phơi nhiễm. Nếu kết quả xét nghiệm HIV dương tính ngay sau khi phơi nhiễm chứng tỏ người bị phơi nhiễm đã nhiễm HIV từ trước, không phải do phơi nhiễm. Trong trường hợp này, không sử dụng thuốc kháng phơi nhiễm ARV mà phải chuyển người bị phơi nhiễm tới cơ sở điều trị HIV.
- Bước 6: Tư vấn cụ thể, chi tiết và rõ ràng cho người bị phơi nhiễm HIV.
Thời gian tốt nhất để sử dụng thuốc ARV chống phơi nhiễm HIV là trong vòng 3 ngày. Ảnh minh họa
- Bước 7: Điều trị dự phòng bằng thuốc ARV càng sớm càng tốt, tối ưu nhất trong vòng 72 giờ và tốt nhất là từ 2 – 6 giờ sau khi bị phơi nhiễm. Được biết, trên thị trường hiện nay giá thuốc ARV từ 700.000 nghìn đến 1 triệu đồng. Sau đó, người phơi nhiễm phải ngừng thuốc và tiến hành xét nghiệm lại sau 3 – 6 – 9 tháng.