Từ vụ 2 sản phụ tử vong khi mổ đẻ ở Đà Nẵng: Gây tê tủy sống có thể bị tai biến ở những trường hợp nào?
Với những trường hợp có nguy cơ tai biến cao, nếu cố áp dụng gây tê tủy sống sẽ gây nguy hiểm cho cả mẹ và con như gây chảy máu, tụt huyết áp nặng, ngừng tuần hoàn, ngừng tim. Trường hợp không được xử lý kịp thời, nguy cơ tử vong mẹ là rất lớn.
95% sử dụng phương pháp gây tê tủy sống khi mổ đẻ
Theo PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương, hiện nay, tỷ lệ mổ lấy thai tại Việt Nam đang có xu hướng gia tăng. Dù chưa có con số thống kê chính thức về tỷ lệ mổ lấy thai, song tỷ lệ này đang ở mức cao, có nơi lên tới 60%. Trung bình tại TP Hồ Chí Minh, tỷ lệ mổ đẻ khoảng 30%, còn ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương, con số này ở mức gần 50%.
Tuy nhiên trên thực tế, thời gian qua, tại các địa phương xảy ra khá nhiều trường hợp tai biến sản khoa , tử vong mẹ và trẻ sơ sinh có liên quan đến tai biến sau phẫu thuật mổ lấy thai.
Mới đây nhất là tai biến trong mổ đẻ khiến 2 sản phụ tử vong, 1 sản phụ nguy kịch tại Bệnh viện Phụ nữ Thành phố Đà Nẵng (các ngày 22/10 và 17/11/2019). Dù chưa có kết luận chính thức của vụ việc nhưng theo báo cáo của Sở Y tế Đà Nẵng gửi Bộ Y tế, các ca tai biến này đều có đặc điểm chung là xảy ra sau khi gây tê tủy sống trong mổ lấy thai.
95% sử dụng phương pháp gây tê tủy sống khi mổ đẻ. Ảnh minh họa
Theo các bác sĩ, gây tê tủy sống khi mổ đẻ là phương pháp gây tê vùng, được thực hiện bằng cách tiêm thuốc vào vùng dịch não tủy ở vị trí giữa lưng để gây tê cục bộ. Phương pháp này giúp sản phụ vẫn giữ được tỉnh táo, điều hòa huyết áp và nhịp tim trong quá trình mổ lấy thai, đồng thời giảm thiểu xác suất nguy hiểm xảy ra cho trẻ tới mức thấp nhất có thể.
Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, gây tê tủy sống là phương pháp được sử dụng phổ biến trong mổ đẻ, chiếm hơn 95%. Gần 5% còn lại là những trường hợp đặc biệt, có nguy cơ xảy ra tai biến cao, phải dùng phương pháp gây mê toàn thân.
Gây tê tủy sống không được dùng trong trường hợp nào?
Qua công tác theo dõi, giám sát và thẩm định tình trạng tử vong mẹ tại các địa phương, Bộ Y tế đã từng ban hành công văn yêu cầu các đơn vị y tế có triển khai phẫu thuật lấy thai (trong và ngoài công lập), không sử dụng phương pháp gây tê tủy sống ở các sản phụ có rau tiền đạo thể trung tâm hoặc bán trung tâm, rau bong non, tiền sản giật nặng, sản giật.
Với những trường hợp dễ xảy ra tai biến kể trên phải áp dụng phương pháp gây mê nội khí quản (gây mê toàn thân) để đảm bảo an toàn. Nếu cố áp dụng gây tê tủy sống sẽ gây nguy hiểm cho cả mẹ và con như gây chảy máu, tụt huyết áp nặng, ngừng tuần hoàn, ngừng tim. Trường hợp không được xử lý kịp thời, nguy cơ tử vong mẹ là rất lớn.
Thực tế, theo GS.TS Nguyễn Viết Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, đã từng có một số trường hợp gặp biến chứng do phương pháp gây tê tủy sống khi mổ lấy thai cho những sản phụ có nguy cơ tai biến cao. Khi xảy ra sự cố, ngay cả ở những bệnh viện tuyến Trung ương với những máy móc, thiết bị hiện đại đôi khi còn xử lý không kịp. Do đó, với những bệnh viện tuyến dưới, việc cứu người mẹ là điều vô cùng khó khăn.
Nhiều nguy cơ tiềm ẩn khi đẻ mổ
Trong y khoa, mổ đẻ chỉ được các bác sĩ chỉ định trong các trường hợp như: Thai phụ có những bệnh lý như cao huyết áp, huyết áp tăng cao không điều chỉnh được bằng thuốc gây nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi; thai phụ sinh khó, kéo dài thời gian chuyển dạ hay thai nhi bị kém phát triển trong tử cung, quá ít nước ối, có dấu hiệu suy thai, cần phải đưa thai ra ngay, nếu không sẽ nguy hiểm cho tính mạng của thai nhi. |
Theo PGS.TS Trần Danh Cường, mổ lấy thai có nhiều biến chứng hơn đẻ thường. Khi sinh mổ, người mẹ có thể bị những tai biến do gây mê hay do phẫu thuật. Người mẹ sẽ mất máu nhiều hơn. Sau mổ có thể bị biến chứng nhiễm trùng vết mổ nên khả năng phải dùng kháng sinh nhiều hơn và lâu hơn.
Bên cạnh đó, thời gian hồi phục sức khỏe của người mẹ sẽ lâu hơn kéo theo thời gian phải nằm viện cũng dài hơn. Hơn nữa, sẹo mổ trên thân tử cung có thể bị nứt trong những thai kỳ sau. Vết mổ trên tử cung cũng có thể gây ra dính ruột, tắc ruột đối với bà mẹ.
Còn với đứa trẻ, nếu sinh mổ khi trẻ chưa đủ tháng, trẻ có khả năng bị suy hô hấp cấp. Ngoài ra, nếu non tháng, trẻ cũng dễ bị hạ thân nhiệt, xuất huyết não, vàng da nhân, nhiễm trùng huyết.