Trượt chân té ngã, cụ bà phải thay khớp háng nhân tạo cả hai bên
Trong lúc tập đi sau phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo bên trái, cụ bà không may trượt chân té ngã, kết quả phải tiếp tục phẫu thuật thay khớp háng bên phải.
Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo cho bệnh nhân. Ảnh: Lao động
Sáng 1/10, BS.CKII Phạm Thanh Phong - Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho SK&ĐS hay, vừa qua các bác sĩ Trung tâm chấn thương chỉnh hình của bệnh viện đã phẫu thuật thay khớp háng thành công 2 bên cho cụ bà bị gãy cổ xương đùi có nhiều bệnh nền nặng.
Bệnh nhân là bà Đỗ Thị L. (85 tuổi, ở quận Ninh Kiều, Cần Thơ), nhập viện trong tình trạng gãy liên mấu chuyển xương đùi trái. Khi vào viện, bà L. rối loạn tri giác, lơ mơ, khai thác tiền sử bà có nhiều bệnh lý nền: tăng huyết áp; thiếu máu cơ tim-Cushing do thuốc; hạ Natri máu; viêm phổi; suy kiệt và thiếu máu.
Bệnh nhân được điều trị nội khoa tích cực và phẫu thuật thay khớp khi tình trạng cho phép. Ê-kíp phẫu thuật đã tiến hành thay khớp háng nhân tạo bán phần bên trái cho bệnh nhân. Sau phẫu thuật, tình trạng bệnh ổn, đi lại được và được cho xuất viện sau đó.
Tuy nhiên, vài ngày sau, đang trong quá trình tập đi lại, bệnh nhân bị trượt chân té, sau khi ngã bệnh nhân không thể đi lại được, kèm đau nhiều vùng háng bên phải nên nhập viện kiểm tra. Kết quả chụp X quang cho thấy bệnh nhân gãy cổ xương đùi phải.
Mặc dù bệnh nhân có chỉ định phẫu thuật thay khớp háng bên phải, tuy nhiên đây là một trường hợp nguy cơ rất cao do bệnh nhân cao tuổi, có nhiều bệnh nền nặng, lại vừa trải qua ca phẫu thuật thay khớp háng trái cách đó 3 tuần, sau phẫu thuật bệnh nhân có sử dụng thuốc chống đông.
Ths.BS Nguyễn Hữu Thuyết, Ths.BS Nguyễn Tâm Từ - Trung tâm chấn thương chỉnh hình, Bs.CK2 Trần Huỳnh Đào - Trưởng Khoa gây mê hồi sức đã tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân. Sau 30 phút, ca phẫu thuật thay khớp được hoàn tất.
Các bác sĩ đã áp dụng giảm đau sau mổ qua catheter ngoài màng cứng với bơm tự động nên sau mổ bệnh nhân không đau. Hiện tại bệnh nhân hồi phục tốt, đang tập vật lý trị liệu phục hồi vận động, hướng dẫn tập đi bằng trợ giúp và dự kiến ra viện vào ngày 2/10.
Hiện tại bệnh nhân phục hồi tốt, chuẩn bị được xuất viện. Ảnh: Lao động
Trao đổi với Zing, BS.CKII Huỳnh Thống Em – Giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình: Chấn thương vùng háng dẫn đến gãy xương thường gặp ở những người bệnh lớn tuổi, đặc biệt những bệnh nhân có loãng xương kèm theo.
Mặc dù những thông tin về đề phòng té ngã ở người lớn tuổi được khuyến cáo, nhưng hầu hết các bệnh nhân lớn tuổi gãy xương vùng háng được phẫu thuật thay khớp tại bệnh viện, nguyên nhân té ngã vẫn là nguyên nhân gặp thường nhất. Khi bị gãy xương đối với người cao tuổi vấn đề phục hồi sớm vận động đi lại là rất cần thiết và mục tiêu là nâng cao chất lượng cuộc sống.
Trong khi đó, BS.CKII Trần Huỳnh Đào - Trưởng Khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, trước đây thay khớp háng ở người lớn tuổi là thách thức đối với các phẫu thuật viên và bác sĩ gây mê do người lớn tuổi sức yếu, có nhiều bệnh lý đi kèm, nhất là bệnh tim mạch.
Nếu được đánh giá kĩ và chuẩn bị đầy đủ trước cuộc mổ, thể trạng người bệnh cho phép, đầy đủ phương tiện, trang thiết bị gây mê, trình độ chuyên môn tốt của đội ngũ nhân viên y tế và sự phối hợp đồng bộ nhiều chuyên khoa thì người lớn tuổi hoàn toàn có thể trải qua một cuộc phẫu thuật an toàn, qua đó cải thiện rõ rệt chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ.
Đặc biệt việc triển khai kỹ thuật giảm đau sau mổ tiên tiến được áp dụng tại bệnh viện như: LIA, giảm đau sau mổ catheter gây tê ngoài màng cứng qua bơm tự động sẽ kiểm soát hoàn toàn cơn đau sau phẫu thuật đến 72 giờ giúp người bệnh vân động sớm, phối hợp tập vật lý trị liệu khớp, ngừa được các biến chứng viêm phổi, thuyên tắc huyết khối sau phẫu thuật, điều này giúp bệnh nhân hồi phục tốt sau phẫu thuật.