Trượt chân ngã, người đàn ông bị thanh sắt đâm xuyên đầu
Trong lúc dắt xe đạp qua cầu, do dốc cầu trơn trượt nên người đàn ông bị ngã, đầu va vào cột bê tông, phần thanh sắt thừa trên cột đâm xuyên vào vùng chẩm.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng thanh sắt đâm xuyên đầu. Ảnh: CA TP.HCM
Sáng 21/9, bác sĩ Phạm Thanh Phong – Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho Dân Việt biết, các bác sĩ bệnh viện này vừa phẫu thuật thành công cứu sống bệnh nhân bị thanh sắt đâm xuyên đầu.
Theo đó, bệnh nhân là ông C.K.H. (50 tuổi, ngụ phường Thới Hòa, quận Ô Môn). Trước đó, trong lúc dẫn bộ xe đạp qua cầu, do dốc cầu trơn trượt nên ông H. bị ngã. Lúc này, đầu ông va vào cột bê tông của người dân làm bờ kè, phần thanh sắt thừa đâm xuyên vào vùng chẩm.
Ông H. được người dân phát hiện, liên hệ thợ cắt thanh sắt ra khỏi cây bê tông và đưa đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần thơ cấp cứu trong tình trạng đau đầu nhiều, dị vật là thanh sắt rỉ sét vùng chẩm, đỉnh, xuyên sọ.
Các bác sĩ phẫu thuật lấy dị vật ra khỏi đầu bệnh nhân. Ảnh: CA TP.HCM
Tại bệnh viện, kết quả chụp cắt lớp vi tính ghi nhận dị vật cản quang kim loại vùng chẩm, đỉnh (P), vào trong nhu mô não, tụ khí nội sọ. Sau 2h40 phẫu thuật, các bác sĩ đã khoan, gặm sọ rộng ra, lấy thành công thanh sắt phi 12 rỉ sét dài khoảng 10cm. Hiện bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, đau đầu ít, không sốt, đang được theo dõi và điều trị tiếp tại Khoa Ngoại thần kinh.
Bác sĩ Phong nhận định, bệnh nhân được cứu sống ngoạn mục nhờ được sơ cứu tại chỗ hợp lý (cắt và giữ nguyên thanh sắt xuyên vào đầu, cố định tạm), phẫu thuật cấp cứu kịp thời ở bệnh viện có chuyên khoa sâu.
Dị vật được lấy ra là thanh sắt phi 12 rỉ sét dài khoảng 10cm. Ảnh: PLO
Theo các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, đây là một tai nạn sinh hoạt hy hữu nhưng rất nguy hiểm. Do đó, các sĩ khuyến cáo, trong sơ cứu và cấp cứu các trường hợp bị vật nhọn đâm vào cơ thể thì không được rút dị vật ra, ngay cả tại phòng cấp cứu, đặc biệt là nghi ngờ có đâm vào mạch máu lớn.
Vì trong các trường hợp chấn thương mạch máu, dị vật có tác dụng như một nút cầm máu tạm, khi vội vã rút ra, bệnh nhân có thể chết vì chảy máu ồ ạt. Ngoài ra, rút dị vật còn làm cho tổn thương mạch máu, thần kinh thêm trầm trọng, tạo khó khăn cho thầy thuốc khi xử trí tổn thương. Rút dị vật chỉ được thực hiện trong phòng mổ bởi phẫu thuật viên.
Việc cần làm khi sơ cứu, cấp cứu là băng cố định dị vật (bằng băng thun, vải hoặc bất cứ vật liệu gì tương tự) nhằm không cho vật nhọn xê dịch thứ phát (sẽ làm tổn thương nặng nề hơn); tránh chảy máu nhiều; giảm đau đớn cho bệnh nhân, rồi đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và xử trí.