Trẻ phòng bệnh trên 90% nếu tiêm vắc xin viêm gan B trong 24 giờ đầu sau sinh
Việt Nam là nước có số người mắc bệnh viêm gan B cao, trong đó phần lớn là trẻ em và phụ nữ có thai. Nếu trẻ sơ sinh trong 24 giờ đầu tiên được tiêm vắc xin viêm gan B thì hiệu quả phòng bệnh sẽ đạt trên 90%.
Theo TS.Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, hiện tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ trong 24 giờ đầu sau sinh vẫn chưa đạt mục tiêu đặt ra. Trong 3 tháng đầu năm, tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ trong 24 giờ đầu sau sinh mới đạt khoảng 70%, trong khi mục tiêu đặt ra là khoảng 80%. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, tỷ lệ mũi tiêm này phải đạt tới 90% thì mới khống chế được dịch bệnh.
Nguyên nhân của tình trạng này là do một số bà mẹ vẫn chưa tin tưởng vào chất lượng của vắc xin, nhiều bà mẹ còn chủ quan cho rằng mẹ không mắc thì con không cần phải tiêm. Tuy nhiên, khi đứa trẻ ra ngoài cơ thể mẹ, sức đề kháng còn kém, do vậy thời điểm này trẻ rất dễ mắc các bệnh lây nhiễm, nên cần phải được tiêm mũi viêm gan B để phòng bệnh.
Các chuyên gia y tế cho rằng, trẻ sơ sinh bị nhiễm viêm gan B có nguy cơ mắc bệnh mãn tính như xơ gan, ung thư gan lên tới 90%. Vì vậy, nếu trẻ được tiêm vắc xin sớm có thể ngăn ngừa lây nhiễm viêm gan B, thậm chí sau khi phơi nhiễm vi rút này. Đặc biệt, hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu đối với viêm gan B. Vì thế tiêm phòng vắc xin viêm gan B cho cả người lớn lẫn trẻ nhỏ là cách phòng bệnh và ngăn ngừa dịch bệnh hiệu quả nhất.
Trẻ cần phải được tiêm vắc xin đầy đủ để phòng bệnh hiệu quả nhất.
Tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B cho trẻ trong 24 giờ đầu sau sinh ở khu vực nông thôn còn thấp do các bà mẹ chưa được tiếp cận vắc xin này. Bà Dương Thị Hồng khuyến cáo, trong 3 ngày đầu sau sinh, trẻ vẫn có thể tiêm vắc xin viêm gan B, hiệu quả phòng bệnh đạt vẫn cao. Việc tiêm vắc xin viêm gan B trong 24 giờ sau sinh không chỉ giúp trẻ phòng tránh nguy cơ lây truyền viêm gan B từ mẹ mà còn bảo vệ trẻ khỏi vi rút viêm gan B từ môi trường xung quanh.
Liên quan đến nguồn cung vắc xin 5 trong 1 trong Chương trình tiêm chủng mở rộng thời gian gần đây, đến thời điểm hiện tại, tất cả các địa phương vẫn đủ vắc xin 5 trong 1 tiêm cho trẻ. Có 6 địa phương đang triển khai đồng thời 2 loại vắc xin Combe Five và vắc xin DPT-VGB-Hib (SII) là Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Thừa Thiên-Huế, Bến Tre, Kon Tum.Riêng vắc xin DPT-VGB-Hib (SII) mới được triển khai tại 6 địa phương trên đã tiêm cho hơn 14.000 trẻ, tỷ lệ phản ứng nhẹ sau tiêm rất thấp, không ghi nhận phản ứng nặng.
Trước đó, vào đầu năm 2019, có một số địa phương thiếu vắc xin 5 trong 1 Combe Five là do các cơ quan quản lý phải tiến hành kiểm tra nghiêm ngặt để bảo đảm vắc xin an toàn nhất. Trong thời gian này, trẻ chưa được tiêm vắc xin 5 trong 1 sẽ được tiêm bù.
Những trẻ có sức đề kháng yếu càng phải được tiêm phòng bệnh, vì những trẻ này có nguy cơ cao mắc các bệnh lây nhiễm. Do đó, để tăng cơ hội tiêm chủng cho trẻ có sức đề kháng yếu, Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia sẽ tiến hành tiêm phòng cho trẻ tại các bệnh viện có đủ điều kiện trên cả nước.
Xem thêm clip: 5 bước 'cứu mạng' con khi bị sốc phản vệ sau tiêm vắc xin