Trẻ bỏng nước sôi trong mùa đông vì thói quen không nên của cha mẹ
Nguyên nhân bỏng ở trẻ em thường giống nhau như bỏng nước sôi, bỏng nồi cơm điện, quơ tay vào canh nóng, hoặc ngồi vào nước tắm chưa được pha phù hợp do sự lơ là, bất cẩn của người lớn.
Bệnh nhi 2 tuổi bị bỏng nặng sau khi bị ngã vào nồi măng
Bệnh viện Sản nhi Nghệ An mới đây đã tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhi Lữ Tuấn Anh (2 tuổi, quê huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) bị bỏng nặng. Theo lời kể của gia đình, trong lúc mẹ bé đang luộc măng trên bếp thì bé bất cẩn ngã úp cả người xuống nồi măng. Vụ tai nạn khiến bé bị bỏng nặng toàn thân, trong đó nặng nhất là bộ phận sinh dục.
Ngay sau đó, người nhà đã nhanh chóng đưa bé ra trạm y tế sơ cứu rồi chuyển đến Bệnh viện Sản nhi Nghệ An cấp cứu.
Mới đây nhất, một bé 18 tháng tuổi ở Thanh Hóa cũng bị bỏng nặng do mẹ bất cẩn khi hâm sữa. Cụ thể, trong lúc mẹ của bé đang rửa bát trong bếp, bé bất ngờ với tay lên kệ lấy ly nước nóng đang ủ sữa. Ly nước nóng rơi hất vào mặt khiến bé bị bỏng nặng phần mặt.
Theo thống kê, lứa tuổi bị bỏng nhiều nhất là 2 đến 5 tuổi. Ở tuổi này trẻ rất hiếu động, tò mò, muốn khám phá và chưa ý thức được nguy hiểm.
Nguyên nhân bỏng ở trẻ em thường giống nhau như bỏng nước sôi, bỏng nồi cơm điện, quơ tay vào canh nóng, hoặc ngồi vào nước tắm chưa được pha phù hợp do sự lơ là, bất cẩn của người lớn.
Đặc biệt vào mùa đông, có những trường hợp sưởi than củi khiến lửa bén lên giường và làm bỏng trẻ. Các bác sĩ khuyến cáo, cha mẹ cần cẩn trọng trong việc chăm sóc trẻ để không xảy ra những tai nạn bỏng. Tuyệt đối không nên sưởi than củi trong phòng kín cũng như dùng quạt sưởi, đèn sưởi, bếp sưởi cho trẻ mà không có sự giám sát của người lớn.
Bé 18 tháng tuổi bị bỏng mặt vì mẹ bất cẩn khi hâm sữa
Xử trí thế nào khi trẻ bị bỏng?
Theo ThS bác sĩ Ngô Anh Vinh – Khoa Cấp cứu và Chống độc bệnh viện Nhi trung ương, khi các bé bị bỏng, nếu không biết cách xử trí, tổn thương sẽ nhiễm trùng, lâu lành và để lại các di chứng như sẹo xấu, co rút ngón tay… thậm chí để lại những thương tật vĩnh viễn cho các bé. Sau sơ cứu ban đầu, trẻ cần được đưa đến các đơn vị chuyên khoa về bỏng để điều trị kịp thời, hạn chế tối đa các biến chứng.
Khi trẻ bị bỏng nước, việc đầu tiên là phải nhanh chóng đưa vết bỏng vào dưới vòi nước hoặc vào chậu nước lạnh và sạch để giảm nhiệt độ bỏng, giảm đau, giảm phù nề, viêm nhiễm và giảm độ sâu của vết thương. Đây là biện pháp quan trọng số một giúp giảm thiểu mức độ tổn thương.
Sơ cứu đúng cánh vô cùng quan trọng khi trẻ bị bỏng
Tuy nhiên, phụ huynh cũng cần lưu ý tuyệt đối không dùng nước đá lạnh để làm mát, không bôi kem đánh răng, lòng trắng trứng lên vết bỏng để tránh làm gia tăng tổn thương. Nếu có thuốc xịt bỏng thì nhanh chóng xịt cho trẻ.
Sau đó dùng băng gạc sạch hoặc vải mỏng băng nhẹ nhàng che phủ vết bỏng để bảo vệ vết thương để tránh tổn thương và nhiễm trùng. Lưu ý là tránh băng quá chặt làm tổn thương tại vết bỏng nặng thêm. Không được tiếp xúc trực tiếp với vết bỏng để tránh nhiễm khuẩn.
Các phụ huynh cần hướng dẫn con tuyệt đối không cởi quần áo chỗ bị bỏng. Nhiều lúc da thịt chỗ bị bỏng sẽ dính chặt vào quần áo. Nếu cởi quần áo lúc đó, khả năng quần áo sẽ kéo tuột cả da, làm tổn thương trầm trọng hơn rất nhiều. Thay vào đó, nên nhanh chóng dùng kéo cắt áo quần ra khỏi vết bỏng, tránh việc áo quần dính chặt vào vết bỏng khiến vết bỏng bị đau rát, dễ viêm nhiễm.
Sau đó nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế để xử trí và đánh giá tổn thương của bỏng.
Xem thêm video: Bác sĩ đông y chia sẻ bài thuốc giúp trẻ suy dinh dưỡng tăng cân