TP.HCM: Cấu trúc đề thi vào lớp 10 năm nay sẽ như thế nào?

04-04-2022 06:30:20

Đây là năm đầu tiên áp dụng công thức xét tuyển ba môn theo hệ số 1 thay vì nhân đôi điểm Toán, Văn như những năm trước.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2022-2023 sẽ được tổ chức vào ngày 11 và 12/6/2022. Học sinh đăng ký 3 nguyện vọng ưu tiên 1, 2, 3 để xét tuyển vào lớp 10 các trường THPT công lập (trừ Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, chuyên Trần Đại Nghĩa và Trường Phổ thông Năng khiếu ĐH Quốc gia).

Những điểm mới cấu trúc đề thi

Theo dự kiến của Sở GD-ĐT TP.HCM, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên ma trận, cấu trúc đề thi về cơ bản mang tính ổn định, đảm bảo không tạo ra sự xáo trộn trong quá trình ôn tập, giảng dạy của học sinh, giáo viên. Đề thi dự kiến có cấu trúc, nội dung và độ phân hóa giống mọi năm. Tuy nhiên, thời gian thi môn Tiếng Anh tăng lên 90 phút (hơn 30 phút so với trước).


Năm nay là năm đầu tiên TP.HCM áp dụng công thức xét tuyển ba môn theo hệ số 1. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Cụ thể, môn Tiếng Anh có thời gian làm bài 90 phút với 40 câu trắc nghiệm. Nội dung đề thi chủ yếu trong chương trình lớp 9. Đề không chú trọng về ngữ pháp mà nghiêng về kỹ năng, vận dụng và từ vựng. Tuy nhiên, đề thi Tiếng Anh có 10-15% câu hỏi mức độ nâng cao để phân hóa thí sinh và những nội dung kiến thức giảm tải sẽ không có trong đề thi.

Đối với môn Toán, đề thi năm nay dự kiến giữ nguyên cấu trúc với 70% câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu và 30% vận dụng, vận dụng cao.

Đề thi Toán dự kiến gồm 8 câu hỏi. Trong đó, 7 câu là kiến thức cơ bản ở các nội dung như đồ thị, định lý Viet, điều kiện có nghiệm của phương trình, vận dụng kiến thức đã học giải bài toán thực tế. Câu hỏi còn lại là bài toán hình học phẳng, gồm ba bài toán nhỏ.


Cấu trúc đề thi lớp 10 năm nay dự kiến mang tính ổn định, đảm bảo không tạo ra sự xáo trộn. Ảnh: Mỹ Quỳnh

Đối với môn Văn, dự kiến đề thi sẽ tiếp tục duy trì theo hướng mở, gắn với thực tiễn để học sinh dễ dàng thể hiện năng lực, bao gồm năng lực ngôn ngữ, khả năng đọc, thể hiện.

Cấu trúc đề thi có 3 phần gồm đọc hiểu (3 điểm), nghị luận xã hội (3 điểm) và nghị luận văn học (4 điểm). Phần đọc hiểu, đề có thể cho văn bản thông tin, nghị luận, khoa học với các câu hỏi sắp xếp từ dễ đến khó, từ mức độ nhận biết, thông hiểu đến vận dụng.

Ở phần nghị luận xã hội, dự kiến đề thi sẽ yêu cầu thí sinh viết bài văn ngắn khoảng 500 chữ. Thí sinh cần đảm bảo cấu trúc bài viết đủ ba phần, gồm mở bài, thân bài, kết bài. Ngoài ra, thí sinh cần đúc rút được bài học nhận thức và hành động cho bản thân.

Đối với phần nghị luận văn học, tinh thần của đề theo hướng mở, khuyến khích thí sinh tự do trình bày cảm nhận về tác phẩm văn học. Thí sinh sẽ có hai lựa chọn: câu hỏi yêu cầu phân tích, cảm nhận về tác phẩm truyện, thơ; câu hỏi với yêu cầu gợi mở hơn.

Hàng năm, TP.HCM có khoảng 100.000 thí sinh tốt nghiệp THCS, trong đó có 80% số đó đăng ký thi tuyển vào lớp 10. Tuy nhiên, chỉ tiêu vào 115 trường công lập ở TP.HCM chỉ khoảng 65.000-67.000. Do đó, tỷ lệ thí sinh không vào được trường công là khoảng 15.000 em.

Năm nay, học sinh thi vào lớp 10 trong 2 ngày 11 và 12/6. Các em được đăng ký 3 nguyện vọng ưu tiên 1, 2, 3 để xét tuyển vào lớp 10 các trường THPT công lập (trừ Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, chuyên Trần Đại Nghĩa và Trường Phổ thông Năng khiếu ĐH Quốc gia).

Thí sinh sẽ dự thi bài thi viết môn Văn, Toán và Ngoại ngữ (nếu đăng ký nguyện vọng vào lớp thường) và môn chuyên, tích hợp (nếu đăng ký nguyện vọng vào lớp chuyện, tích hợp). Thời gian làm bài môn Văn, Toán là 120 phút, môn Ngoại ngữ là 90 phút.

Điểm bài thi là tổng điểm thành phần từng câu hỏi trong đề thi, tính theo thang điểm 10, điểm lẻ đến 0,25. Điểm xét tuyển là tổng điểm ba môn thi, tính theo hệ số một và điểm cộng ưu tiên. Thí sinh trúng tuyển phải dự thi đủ ba bài và không có bài nào bị điểm 0.

Học sinh không đậu cả 3 nguyện vọng có thể đăng ký xét tuyển lớp 10 tại các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, các trường tư thục hoặc tham gia các loại hình giáo dục khác.

 

Mỹ Quỳnh
Theo Dân Việt //