TP.Phúc Yên (Vĩnh Phúc): Hàng loạt dãy nhà kiên cố ngang nhiên 'mọc' trên đất lâm nghiệp
Hàng chục căn nhà mang tên Dự án khu sinh thái, nghỉ dưỡng được xây dựng trái phép trên hàng trăm m2 đất lâm nghiệp tại xã Ngọc Thanh (TP.Phúc Yên) chưa chuyển đổi mục đích khiến dư luận địa phương bức xúc.
Ngọc Thanh là một xã thuộc TP.Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) với diện tích 77,36km2 và Khu du lịch hồ Đại Lải đa số nằm trên địa bàn xã này. Hồ Đại Lải được biết đến là hồ nhân tạo lớn nhất của tỉnh Vĩnh Phúc, có diện tích rộng 5,25 km2 và các phụ cận đồi núi rừng cây rộng tới gần 30 km2. Hồ được xây dựng từ cuối những năm thập niên 50 và hoàn thiện đầu thập niên 60.
Hồ cung cấp nước ngọt phụ vụ sản xuất nông nghiệp cho tỉnh Vĩnh Phúc, huyện Sóc Sơn (TP. Hà Nội). Những năm gần đây, hồ Đại Lải được nhiều người biết đến khắp mọi miền tổ quốc, cùng với đó là du khách nước ngoài. Bởi lẽ nơi đây, đang xây dựng khu nghỉ dưỡng và du lịch xanh với hàng loạt khách sạn, nhà hàng, sân Golf và khu vui chơi giải trí hạng sang, bao quanh vùng hồ… khu du lịch có thể nói “bậc nhất”.
TP. Phúc Yên nhiều sai phạm
Tuy nhiên, để xây dựng khu du lịch phần lớn diện tích đồi núi đã có nhiều doanh nghiệp, các cá nhân vì lợi nhuận đã bất chấp vi phạm pháp luật, chính quyền quản lý đất đai có dấu hiệu buông lỏng, nhiều biệt thự, nhà hàng ngang nhiên xây dựng trái phép vi phạm Luật đất đai.
Cụ thể, từ ngày 14 - 18/2/2020, Tổng cục Thủy lợi đã thành lập Đoàn kiểm tra đột xuất các hoạt động trong phạm vi bảo vệ hồ Đại Lải và ban hành Kết luận số 253/KL-TCTL-PCTTr. Sau khi kiểm tra 04 doanh nghiệp đang có dự án kinh doanh, du lịch trong phạm vi hồ, cho thấy có nhiều vi phạm quy định của pháp luật về thủy lợi. Cụ thể đối với từng doanh nghiệp như sau:
Dự án Khu biệt thự vui chơi và giải trí Đại Lải – Paradise Đại Lải Resort của Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Nhật Hằng. Hạng mục Khu biểu diễn nghệ thuật đã đắp đất, ngăn hồ tạo thành đường nội bộ dài 190m, rộng 6m, cao trình mặt đường khoảng +21.07m. Diện tích hồ bị ngăn khoảng 4,2ha.
Đối với hạng mục Khu biệt thự nghỉ dưỡng, diện tích quy hoạch chia lô được giao trong phạm vi của mốc ranh giới đất 272, 273,274 và 275 để xây dựng biệt thự có cao trình thấp hơn cao trình mực nước dâng bình thường, chủ đầu tư dự án chưa thực hiện san nền xây biệt thự. Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Nhật Hằng chưa có giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi theo quy định.
Dự án Khu biệt thự, ẩm thực cao cấp Đảo Ngọc của Công ty TNHH Đạt Tiến (Công ty Đạt Tiến). Tại hiện trường, Công ty đã đóng cọc chắn sóng kè bê tông, đổ đất lấn chiếm về phía lòng hồ (nằm ngoài ranh giới đất được giao) từ khoảng cao trình +19,0m đến +21,70m và đã trồng cây cảnh, làm đường dạo bằng bê tông ven hồ.
Theo Kết luận thanh tra số 10/KL-STNMT ngày 02/01/2019 của Sở Tài nguyên và Môi trường Vĩnh Phúc diện tích lấn chiếm của Công ty là 15.599m2. Công ty Đạt Tiến không có giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi (bao gồm cả giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi) theo quy định.
Dự án Khu nhà ở sinh thái và Biệt thự nghỉ dưỡng Đại Lải của Công ty TNHH Đại Lải Việt Nam. Thời điểm kiểm tra, Công ty đang thi công đổ đất vào lòng hồ theo mốc ranh giới đất, từ mốc 217 đến mốc 243; chiều dai khoảng 700m, chiều cao san lấp từ 2-3m, cao trình từ 19,70m đến 21,05m. Công ty không có giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo quy định.
Kết luận nêu rõ việc giao đất, cho thuê đất và phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 trong phạm vi bảo vệ hồ chứa nước Đại Lải cho các doanh nghiệp thực hiện dự án, trong đó có diện tích được tôn nền để xây dựng công trình, làm giảm dung tích hữu ích và dung tích phòng lũ của hồ chứa, ảnh hưởng đến nhiệm vụ và an toàn của hồ là vi phạm quy định của pháp luật về thủy lợi.
Các doanh nghiệp nêu trên đã san nền, đổ đất, xây tường kè, đắp đất ngăn hồ… trong phạm vi bảo vệ hồ chứa nước Đại Lải, thực hiện các hoạt động nhưng không có giấy phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi hoặc hoạt động không đúng nội dung quy định của giấy phép đã được cấp là vi phạm quy định của pháp luật về thủy lợi.
Tổng cục Thủy lợi đưa ra kiến nghị với UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi Phúc Yên: Riêng các doanh nghiệp đang hoạt động trong phạm vi hồ Đại Lải, cần nghiêm chỉnh chấp hành các yêu cầu tại Kết luận kiểm tra và các yêu cầu khác liên quan của cơ quan có thẩm quyền; Lập hồ sơ đề nghị cấp, điều chỉnh giấy phép cho các hoạt động phải có giấy phép trong phạm vi bảo vệ hồ chứa nước Đại Lải, trình cơ quan có thẩm quyền giải quyết và triển khai thực hiện theo quy định; Khôi phục các mốc ranh giới đã mất theo quy định.
Được biết, trong Kết luận thanh tra số 10/KL-STNMT ngày 2/1/2019 của Sở Tài nguyên và Môi trường Vĩnh Phúc cũng khẳng định diện tích hồ bị lấn chiếm lên tới 15.599 m2.
Hàng loạt biệt thự mọc trên đất lâm nghiệp
Gần đây, trên địa bàn xã Ngọc Thanh cũng xuất hiện một hộ cá nhân ngang nhiên xây dựng hàng loạt nhà trái phép trên đất lâm nghiệp nhưng tuyệt nhiên không có một cơ quan chức năng nào của TP.Phúc Yên có biện pháp cứng rắn.
Thực trạng này đang diễn ra tại thôn Đồng Câu, xã Ngọc Thanh (TP.Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) do ông Trịnh Duy Long người dân tại địa phương và là chủ của những căn nhà trên.
Theo ghi nhận, hàng chục căn nhà được xây dựng trên hàng nghìn m2 đất lâm nghiệp dưới chân đồi đã xong và đang dần hoàn thiện. Phía ngoài mặt đường, có một cánh cổng to, xung quanh được rào bằng hàng rào thép hộp mạ kẽm toàn bộ phần đất hơn 1ha.
Theo một số người dân địa phương cho biết, ở đây đất lâm nghiệp trồng rừng sản xuất nhiều nhưng giờ mấy ai trồng cây nữa, họ chuyển sang xây dựng trang trại hoặc những căn nhà để kinh doanh khu nghỉ dưỡng cho đỡ vất vả và kiếm lợi nhuận cao như khu vực chỗ ông Long tiến tới sẽ mở khu du lịch sinh thái… Bên cạnh đó, nhiều người dân cũng đặt câu hỏi về chất lượng xây dựng cũng như chất lượng phục vụ nghỉ dưỡng tại những ngôi nhà liệu có đảm bảo?
Theo tìm hiểu, đất Lâm nghiệp nằm trong nhóm đất nông nghiệp bao gồm đất rừng tự nhiên, đất trồng rừng, đất khoanh nuôi tu bổ tái sinh phục hồi rừng, nuôi dưỡng làm giàu rừng,… theo quy định đất nông nghiệp không được xây dựng nhà ở kiên cố, nếu như muốn xây dựng phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất thương mại dịch vụ đã được cấc cấp có thẩm quyền cho phép.
Như vậy, có thể thấy việc ông Long xây dựng hàng loạt nhà kiên cố trên đất nông nghiệp là hoàn toàn sai phép, cần được xử lý.
Để có thông tin khách quan, PV đã đến UBND xã Ngọc Thanh liên hệ làm việc. Tại đây, chúng tôi có cuộc trao đổi với ông Lý Văn Lương – Chủ tịch UBND xã Ngọc Thanh, tuy nhiên, khi được hỏi về những sai phạm và các biên bản giấy tờ liên quan, ông Lương từ chối trả lời với lý do: “Vấn đề này tôi giao cho đồng chí Phó Chủ tịch phụ trách, tôi không nắm được hết và không trả lời bất kỳ câu hỏi nào. Các anh để lại nội dung và đồng chí Chung – Phó Chủ tịch sẽ liên hệ làm việc…”.
Sau nhiều ngày trôi qua, PV liên hệ trực tiếp với ông Lưu Tiến Chung và nhận được câu trả lời: “UBND TP. Phúc Yên đã có quyết định thành lập đoàn kiểm tra sự việc trên, sau khi có kết quả của đoàn kiểm tra thì chúng tôi sẽ thông tin lại còn hiện giờ chúng tôi không thể cung cấp thêm thông tin gì,…”.
PV tiếp tục liên hệ với UBND TP.Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) để có câu trả lời khách quan, tuy nhiên hơn tháng nay PV vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi. Mặc dù, PV đã nhiều lần gọi điện liên hệ với văn phòng…
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin….