Tỉ lệ mắc và tử vong do Covid-19 ở trẻ em tại Việt Nam như thế nào?
Theo thống kê, tỉ lệ trẻ em mắc Covid-19 dưới 18 tuổi ở nước ta là 19,2%, trong đó có 4,8% trẻ từ 13-17 tuổi; 8% trẻ 6-12 tuổi; 2,8% trẻ từ 3-5 tuổi và 3,6% trẻ từ 0-2 tuổi.
Theo nguồn tin trên Sức khỏe & đời sống, ngày 16/2, Hội nghị tập huấn trực tuyến toàn quốc về hướng dẫn, chăm sóc và điều trị cho trẻ em mắc Covid-19 diễn ra với sự tham dự của các đơn vị liên quan của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, tính đến từ đầu mùa dịch Covid-19 đến nay, tỷ lệ mắc Covid-19 của trẻ em dưới 18 tuổi ở nước ta là 19,2%, trong đó có 4,8% trẻ từ 13-17 tuổi; 8% trẻ 6-12 tuổi; 2,8% trẻ từ 3-5 tuổi và 3,6% trẻ từ 0-2 tuổi.
Toàn quốc ghi nhận 165 trẻ mắc Covid-19 tử vong, chiếm 0,42% so với tử vong chung, cụ thể trẻ 13 - 17 tuổi 0,11%; 6 - 12 tuổi 0,1% và 0 - 2 tuổi 0,18%.
"Mặc dù tử vong ở trẻ em thấp nhưng cũng không phải là không có tử vong. Hơn nữa, qua theo dõi cho thấy trẻ cũng có các biểu hiện lâm sàng kéo dài, có cả tình trạng hậu Covid-19, kể cả di chứng (được gọi là các di chứng cấp tính của Covid-19). Thậm chí có những trường hợp viêm đa hệ ở trẻ em, đây là biểu hiện nghiêm trọng, viêm cả các cơ quan khác", Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết.
PGS.TS Nguyễn Trường Sơn- Thứ trưởng Bộ Y tế tại hội nghị. Ảnh: Sức khỏe & đời sống.
Theo Tiền phong, TS. Phan Hữu Phúc, Phó Trưởng khoa điều trị tích cực nội khoa (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết dịch bệnh lây lan và tử vong ở người lớn cao nhưng tỉ lệ mắc ở trẻ em, đặc biệt mức độ nghiêm trọng và tử vong ở trẻ trong 2 năm vừa qua khá thấp. Thời gian gần đây, khi có biến chủng mới, tỉ lệ mắc Covid-19 ở trẻ em bắt đầu gia tăng.
Chia sẻ trên VietNamNet, TS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, tính đến ngày 14/2, nước ta ghi nhận hơn 2.5 triệu ca mắc Covid-19. Trong đó, số điều trị khỏi là trên 2,2 triệu người và tử vong là 39.432 ca (chiếm 1,5%). TS Nguyễn Trọng Khoa cũng nêu các con số về tình hình trẻ mắc Covid-19 tại TP.HCM (đến ngày 7/2). Số mắc trẻ em dưới 16 tuổi là 32.429 người/516.163 tổng số mắc chung, chiếm tỷ lệ 6,3%. Số ca tử vong trẻ em là 48/tổng số ca tử vong, cộng dồn là 20.379 người.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, tính đến 7/2. Tổng số trẻ em được khám, chẩn đoán Covid-19 là 611, trong đó có 545 ca được chuyển khám, cách ly tại địa phương. Có 66 ca điều trị nội trú tại bệnh viện. Trong đó, khỏi và ra viện là 51 ca, 10 ca đang điều trị. Bệnh viện Nhi Trung ương ghi nhận có 5 ca ử vong (3 bệnh nhân sơ sinh, 1 bệnh nhân 2 tháng tuổi có viêm não liên cầu B, 1 bệnh nhân 6 tháng tuổi ở Bắc Ninh chuyển lên).
Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, số bệnh nhân F0 là 6.484 trường hợp, trong đó trẻ dưới 16 tuổi là 617 em. Trong số 1.436 F0 nặng, nguy kịch có 21 trẻ em (tỷ lệ 3.4%). Bệnh nhân trẻ em tử vong/bệnh nhân tử vong chung là 0/470 trường hợp.
Về tình hình tiêm vắc xin Covid-19 ở trẻ em (đến 7/2), tổng số mũi tiêm là 16.328.693, số trẻ 12-17 được tiêm mũi 1 là 8.460.065, số trẻ 12-17 được tiêm mũi 2 là 7.868.628. Trong đó, tai biến nặng là 88 trường hợp và có 61.423 em phản ứng thông thường.
Theo TS Nguyễn Trọng Khoa, tỷ lệ tử vong trẻ em thấp nhưng không được chủ quan. Bởi trong bối cảnh mở cửa, giao lưu trở lại bình thường số mắc trẻ em sẽ cao. Trong số đó có tỷ lệ các em có nguy cơ chuyển nặng sẽ dẫn đến tăng tử vong.
"Chúng ta phải làm sao bảo vệ nhóm thừa cân béo phì, đang điều trị bệnh nền, mãn tính…, các nhóm này nhiễm Covid-19 khả năng tử vong cao hơn.
Trong bối cảnh mở cửa trở lại, dự kiến số trẻ mắc cao. Mặc dù số tử vong trẻ không cao nhưng 80% cháu bé không có bệnh nền, không nhóm tuổi sơ sinh vẫn chuyển biến nặng. Đây là số liệu buộc chúng ta cảnh giác, không thể chủ quan", ông Khoa nhấn mạnh trên Tuổi trẻ.
Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam.
Theo Tiền Phong, để trẻ trở lại trường học an toàn Bộ Y tế đề nghị các nhà trường phải tuân thủ đầy đủ các hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế và Bộ Giáo dục và Đào tạo như vệ sinh trường học, phân luồng đón tiếp học sinh, bố trí phòng cách ly tại thời tại các trường học rồi phòng học dự phòng trong tình huống có học sinh nghi nhiễm, nhiễm Covid-19. Đồng thời, trường học và trạm y tế địa phương phải phối hợp chặt chẽ để xử lí các tình huống dịch bệnh tại nhà trường...
Về phía y tế cơ sở phải tăng cường tập huấn về chăm sóc, theo dõi, phân loại bệnh nhân Covid-19 trẻ em. Việc phân loại tình trạng bệnh của trẻ rất quan trọng, đặc biệt kĩ năng chuyên môn phát hiện trẻ chuyển nặng để kịp thời chuyển đến viện, tránh tình trạng chuyển nặng không cần thiết...