Thông điệp tiềm ẩn Triều Tiên gửi gắm vào lễ diễu binh vũ khí
Tín hiệu “tiềm ẩn” Triều Tiên gửi gắm sau lễ diễu binh kỉ niệm 105 ngày sinh Cố Chủ tịch Kim Nhật Thành ngày 15/4 được nhiều chuyên gia dự đoán.
Theo Reuters, tên lửa dường như là chủ đề chính của cuộc diễu binh lần này khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã dành thời gian để chào đón chỉ huy của Lực lượng chiến lược – tên gọi cho lực lượng kiểm soát kho vũ khí tên lửa. Các nhà phân tích cho biết, họ tin rằng một số tên lửa xuất hiện trong lễ diễu binh lần này là tên lửa đạn đạo liên lục địa mới (ICBM).
Trước đó, Triều Tiên cho biết họ đã phát triển và phóng một tên lửa có thể tấn công vào lục địa Mỹ, nhưng các quan chức và chuyên gia cho rằng cần phải mất nhiều thời gian để hoàn thành tất cả các công nghệ cần thiết.
Triều Tiên đã phô diễn nhiều vũ khí đáng chú ý trong lễ diễu binh kỉ niệm 105 ngày sinh Cố Chủ tịch Kim Nhật Thành ngày 15/4. Ảnh: AFP
Triều Tiên đã triển khai hai loại tên lửa ICBM mới trong lễ diễu binh, điều cho thấy Bình Nhưỡng đang thực hiện các hoạt động hướng tới một "mô hình mới" của ICBM, Melissa Hanham, một nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury tại Monterey, California (Mỹ) cho biết.
"Tuy nhiên, Triều Tiên có thói quen trình diễn các mẫu vũ khí mới trong cuộc diễu binh trước khi họ thử nghiệm hoặc phóng nó. Vẫn còn rất sớm để nói về các mẫu thiết kế tên lửa này", Hanham nói.
Joshua Pollack, biên tập viên của tờ Nonproliferation Review tại Washington cho biết, với việc phô diễn nhiều hơn 1 tên lửa đã cho thấy Triều Tiên đang thúc đẩy kế hoạch phát triển tên lửa phóng từ tàu ngầm, điều rất khó để phát hiện.
"Điều này cho thấy một cam kết cho chương trình vũ khí (tên lửa từ tàu ngầm)", Pollack nói. "Các tên lửa SLBM dường như là một tuyên bố cho thấy ý định để thúc đẩy chương trình của họ".
Cũng trong hôm qua 15/4, AFP dẫn lời chuyên gia Evans Revere thuộc Viện Nghiên cứu Brookings (Mỹ) nhận định có thể Bình Nhưỡng đã quyết định rằng việc phô diễn các loại tên lửa mới là đã đủ để gửi thông điệp đáp trả mạnh mẽ tới Mỹ, thay vì lựa chọn thử hạt nhân quá nhiều rủi ro trong bối cảnh hiện nay.
Tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm trong cuộc duyệt binh ở Bình Nhưỡng ngày 15.4 được cho là loại Pukguksong-1. Ảnh: Reuters
Theo ông Revere, không loại trừ khả năng Triều Tiên sẽ tiếp tục thử hạt nhân hay phóng tên lửa trong tương lai, nhưng vụ Mỹ tấn công căn cứ không quân Syria và lập trường cứng rắn của Washington “có thể khiến Bình Nhưỡng tạm dừng lại”.
Trong khi đó, Hàn Quốc vẫn lo ngại miền Bắc có thể sẽ thử hạt nhân hoặc phóng tên lửa nhân dịp kỷ niệm 85 năm thành lập lực lượng vũ trang vào ngày 25/4. Dự kiến trong hôm nay 16/4, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence sẽ đến Hàn Quốc để củng cố cam kết bảo vệ đồng minh và tham vấn về chương trình hạt nhân Triều Tiên, theo CNN.
Đâu là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du khu vực kéo dài 10 ngày của ông Pence. Sau đó, ông sẽ đến Nhật, Indonesia và Úc. Reuters dẫn lời một cố vấn về chính sách ngoại giao của Nhà Trắng cho hay vấn đề Triều Tiên đều nằm trong chương trình nghị sự tại mỗi điểm dừng chân.
Chuyến công du diễn ra hai ngày sau khi tờ The Washington Post đưa tin Mỹ sẽ vận dụng chính sách gây “sức ép tối đa” đối với Triều Tiên nhưng không tìm cách thay đổi chế độ ở nước này.