Thời gian sống bệnh nhân ung thư giảm sút nghiêm trọng nếu hút thuốc lá
Thời gian sống thêm sau điều trị của các bệnh nhân ung thư sẽ bị giảm đáng kể chỉ vì thói quen hút thuốc lá.
Thời gian sống bệnh nhân ung thư giảm nhanh khi hút thuốc lá. Ảnh minh họa/Dân trí
Thạc sĩ Daniel Kristensen đến từ Bệnh viện đại học Aalborg (Đan Mạch) và cộng sự đã tiến hành một nghiên cứu trên quy mô toàn quốc, để đánh giá tác động của việc hút thuốc lá đến các bệnh nhân mắc bệnh bạch cầu tuỷ bào cấp tính (AML), đã được điều trị bằng hóa trị liệu liều cao.
AML là một bệnh ung thư dòng tủy của các tế bào máu, đặc trưng bởi sự tăng trưởng nhanh chóng của các tế bào máu trắng bất thường tích tụ trong tủy xương và ảnh hưởng đến việc tạo ra các tế bào máu bình thường. Khả năng mắc AML tăng lên theo tuổi tác và đây cũng là bệnh bạch cầu cấp tính phổ biến nhất ở người trưởng thành, theo báo Dân trí.
Nghiên cứu được thực hiện trên số liệu của 1040 bệnh nhân được chẩn đoán mắc AML trong giai đoạn 1/1/2000 – 31/12/2012, trong số này có 58,9% bệnh nhân được xếp vào nhóm đã từng hút thuốc lá.
Qua phân tích dữ liệu, nhóm tác giả phát hiện ra rằng, các bệnh nhân hút thuốc có thời gian sống thêm sau điều trị bị giảm đáng kể so với những người chưa từng hút thuốc lá (17,2 tháng so với 24,5 tháng). Được biết, trước nghiên cứu này, nhiều bằng chứng khoa học cũng chỉ điểm hút thuốc lá là nhân tố làm giảm thời gian sống của các bệnh nhân ung thư.
Mới đây, lần đầu tiên, các nhà khoa học Mỹ đã tìm thấy nhiều loại ung thư chỉ thông qua xét nghiệm máu ở rất nhiều người vẫn đang khỏe mạnh bình thường, theo Người lao động.
Phương pháp mới này được phát triển bởi Đại học John Hopkins (Mỹ), nhằm phát hiện ung thư giai đoạn sớm nhất, khi những thay đổi chỉ mới xảy ra ở cấp độ tế bào. Họ đã thử nghiệm trên tận 10.000 phụ nữ vẫn đang khỏe mạnh từ 65 đến 75 tuổi. Tất cả họ đều khỏe mạnh, không có tiền sử hay bất kỳ triệu chứng nào của bệnh ung thư.
Sau xét nghiệm, nếu kết quả cho thấy có nghi ngờ, họ sẽ được kiểm tra lại bằng các phương pháp thông thường như chẩn đoán hình ảnh, sinh thiết. Nếu tiếp tục đáng ngờ, họ sẽ được kiểm tra bằng PET-CT, cũng là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh nhưng cao cấp hơn, gần như có thể tiết lộ bất kỳ khối u nào dù là nhỏ nhất.
Kết quả đối chiếu cho thấy phương pháp xét nghiệm máu đang được phát triển thực sự đã đem đến những bất ngờ. Theo tiến sĩ Nickolas Papadopoulos, thành viên nhóm nghiên cứu, áp dụng thêm xét nghiệm này bên cạnh các phương pháp sàng lọc thông thường sẽ giúp nhân đôi số ca ung thư được phát hiện sớm.
Nó cũng là một phương pháp sàng lọc hứa hẹn chi phí thấp, dễ thực hiện, có thể áp dụng cho một số bệnh ung thư chưa có xét nghiệm sàng lọc như ung thư buồng trứng. Xét nghiệm máu là một phương pháp không xâm lấn, có nhiều lợi thế để triển khai rộng rãi.
Tuy nhiên, bài công bố trên tạp chí khoa học Science cũng khẳng định việc thử nghiệm vẫn còn nằm ở giai đoạn đầu. Họ vẫn chưa hài lòng vì xét nghiệm này vẫn bỏ sót một số dạng ung thư, cũng như cho một số kết quả nghi ngờ giả, dẫn đến lo lắng cho bệnh nhân và các biện pháp theo dõi không cần thiết. Các nhà nghiên cứu đang hướng tới các thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn hơn và thử nghiệm lâm sàng trên nam giới.