Thoát ly văn mẫu: Giáo viên cần không ngừng khơi gợi sáng tạo

28-03-2022 10:33:22

Để văn mẫu không làm thui chột sự sáng tạo của học sinh, nhiều giáo viên đã không ngừng tìm tòi, đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm khơi dậy sự sáng tạo của trò.

Cô Cao Thị Phương Thảo luôn tìm tòi các phương pháp để khơi gợi sự sáng tạo của học sinh.

Giúp trò phát triển tư duy

Cô Cao Thị Phương Thảo, Trường Tiểu học Tam Bình (TP Thủ Đức, TPHCM) chia sẻ, văn mẫu bản chất là sản phẩm tư duy của người lớn. Vì vậy việc học sinh phụ thuộc vào văn mẫu sẽ dẫn đến hạn chế phát triển khả năng ngôn ngữ, óc tư duy phán đoán và cả sự sáng tạo. Đôi lúc đọc văn mẫu, các em tự tạo áp lực cho bản thân phải viết được như người lớn. Điều này vô tình làm thui chột thế giới tưởng tượng của học sinh.

Bên cạnh đó, trong quá trình giảng dạy nếu giáo viên dạy học theo kiểu đọc chép, học sinh làm bài theo văn mẫu sẽ để lại tác hại dễ nhìn thấy như: Học sinh không biết cách đặt và dùng câu, không hình dung được đoạn văn viết thế nào, vốn từ ít,… Chính từ sự  hạn chế ngôn ngữ mà việc tư duy sáng tạo trong học tập của học sinh sẽ ảnh hưởng tới giao tiếp, sinh hoạt hàng ngày.

Để học sinh tăng khả năng tư duy,  kĩ năng sử dụng tiếng Việt,  cô Thảo và các giáo viên trong trường luôn trao đổi để có những giải pháp  khắc phục triệt để  nạn lạm dụng văn mẫu.

Bởi theo cô Thảo chia sẻ, nếu từ lớp 1, chúng ta cho học sinh biết phát triển các câu nói đơn giản, sẽ giúp các em phát triển ngôn ngữ trong giao tiếp ngay từ ban đầu, tạo tiền đề cho các em trong các lớp học tiếp theo. Nếu học và phụ thuộc văn mẫu hoàn toàn, học sinh sẽ bị cuốn theo tư duy người khác, không phát triển được tư duy, phương pháp, cách làm bài của riêng mình.

“Phương pháp mà tôi và các đồng nghiệp trong trường thường sử dụng là ngay từ khi học sinh bước vào bậc tiểu học chúng tôi luôn chủ động khơi gợi cho học sinh  từ những câu đơn giản. Đồng thời từ đó, học sinh thêm bớt thành câu tròn nghĩa và trôi chảy hơn cả trong văn nói và văn viết. Ngoài ra, tôi còn cho học sinh quan sát tranh và kể thành một câu chuyện. Mỗi học sinh sẽ kể thành những câu chuyện khác nhau, từ đó giúp các em phát triển tư duy của mình, tạo cho học sinh sự tự tin khi giao tiếp”, cô Thảo cho hay.

TÍch cực đổi mới phương pháp

Còn theo cô Nguyễn Thị Mai Liên, giáo viên dạy văn Trường THCS Lương Định Của (TP Thủ Đức, TPHCM), văn mẫu bản chất là một con dao hai lưỡi, nên không phải lúc nào cũng đem lại hiệu quả. Tuy nhiên, nếu khai thác đúng, học sinh biết học hỏi cách triển khai ý, cách dùng từ, cách tư duy thì đây là một kênh học tập hiệu quả

Giờ học Ngữ văn của học sinh trường THCS Lương Định Của.

“Việc học sinh lạm dụng văn mẫu đôi lúc đến từ sự tự ti, từ yêu cầu cao của phụ huynh mong muốn con đạt điểm số tốt. Điều này dẫn đến hậu quả lười tư duy. Khi gặp một đề văn mới lạ, ngay lập tức trong đầu các em nghĩ đến việc “cầu cứu” văn mẫu mà bỏ qua khả năng viết của bản thân. Ngoài một số em được coi là có “tố chất” văn học thì phần lớn học sinh gặp nhiều khó khăn trong việc diễn đạt bằng cách viết. Vậy nên khi không có văn mẫu bên cạnh, các em chấp nhận “thất bại” với yêu cầu của đề bài”, cô Liên bày tỏ.

Phương pháp mà cô Liên thường sử dụng để tránh tình trạng học sinh học tủ, sau một bài học, cô sẽ yêu cầu học sinh trình bày miệng, sau đó ghi vào giấy một vài ý cảm nhận về bài học. Với một bài tập làm văn dài, cô Liên sẽ chia nhỏ các ý, yêu cầu học sinh viết tách biệt từng đoạn.

“Có một sự thật là khi yêu cầu viết từng đoạn, bỏ qua một bên yêu cầu hoàn chỉnh bài tập làm văn, học sinh viết rất tốt, đôi lúc vượt sự mong đợi của giáo viên”, cô Liên cho biết.

“Dĩ nhiên vẫn sẽ có trường hợp học sinh khó khăn trong diễn đạt, lúc ấy tôi thường chụp lại đoạn văn của các em, trình chiếu lên màn hình. Sau đó sẽ trao đổi để hiểu các em muốn diễn đạt như thế nào với các câu có vấn đề trong đoạn văn. Thông qua việc diễn đạt miệng của học sinh tôi sẽ giúp các em điều chỉnh lại câu sao cho vừa đúng văn phạm, vừa đúng ý của các em.

Việc này đòi hỏi khá nhiều thời gian nên thông thường tôi sẽ luân phiên trình chiếu bài của từng bạn. Sẽ có cả những bài học sinh viết tốt, từ đó các bạn viết yếu hơn cũng có thể tham khảo thêm bài của bạn mà không cần tìm đến văn mẫu. Sau khi viết từng đoạn, tôi hướng dẫn học sinh cách ráp các đoạn bằng cách thêm các câu chuyển ý để nối”, cô Liên chia sẻ.

“Để giúp học sinh có thể tự tin viết bài, tránh phụ thuộc học tủ, sử dụng văn mẫu, đôi lúc giáo viên phải chấp nhận cách diễn đạt có phần ngô nghê của học sinh. Chấp nhận không phải thoả hiệp mà để học sinh cảm nhận mình được thông cảm, được trao cơ hội trình bày cách hiểu, cách tư duy của mình. Trên cơ sở học sinh phát huy khả năng ngôn ngữ, giáo viên sẽ điều chỉnh cho phù hợp hơn. Việc ghi nhận và tuyên dương sự tiến bộ của học sinh qua từng bài viết cũng tạo động lực để các em tự tin viết bài, dần dần buông bỏ các bài văn mẫu”, cô Liên cho hay.

 

Hồ Phúc
Theo Giáo dục & Thời đại //