Thiếu nước sạch, hàng vạn người dân Hà Nội khốn đốn lo nước ăn, uống từng bữa
Cuộc sống của hàng vạn người dân ở quận Hoài Đức, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm… (Hà Nội) những ngày qua hoàn toàn bị đảo lộn vì thiếu nước sạch.
Người dân Hà Nội thiếu nước sạch mang hết vật dung để lấy nước sạch miễn phí. Ảnh: Nguyễn Đỗ Hải
Sau khi thông tin chính thức về việc nước do Công ty Cổ phần nước sạch Sông Đà bị nhiễm bẩn được công bố chiều 15/10, nhiều người dân Hà Nội đã rất lo lắng cho sức khỏe của mình.
Trong mấy ngày vừa qua, các hộ dân ở khu vực bị ảnh hưởng (quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm…) đang phải trải qua những ngày khốn đốn vì thiếu nước sạch. Và từ đây có rất nhiều chuyện bi hài xảy ra, khiến nhiều người phải thốt lên “sống giữa thủ đô mà sao khổ quá vậy trời?”.
Sau thời gian ngắn dừng cấp nước tại một số khu vực của TP Hà Nội, đêm qua (16/10), Công ty nước sạch sông Đà đã cấp nước trở lại cho hàng vạn hộ dân nhưng chỉ mới phục vụ cho mục đích sinh hoạt, vệ sinh, tắm giặt chứ chưa thể dùng được trong việc ăn uống.
Khi có thông báo cắt nước để thau rửa bể, người dân đua nhau trữ nước
Tại một số khu chung cư ở Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, (Hoàng Mai, Hà Nội), khi nghe loa thông báo, người dân thi nhau mang xô chậu xuống khu vực sân chung tòa nhà lấy nước sạch do thành phố cấp. Thế nhưng, sự cố lại xảy ra khiến nhiều người vừa mất công mà vẫn không có nước dùng.
Chị Linh Anh (sống tòa HH1C cho, Linh Đàm) cho biết: “Mình đang bận việc nên nhờ bà ngoại xuống dưới sân lấy ít nước để về dùng. Bà vội vàng xách hai tay hai xô đi xuống. Một lúc sau về được đúng nửa xô nước, vì xuống muộn quá nên hết nước”.
Sự khác nhau giữa bình nước miễn phí (trái) và nước mua đóng chai
Tuy nhiên, những người dân “may mắn” lấy được nước thì chưa chắc đã dùng được. Anh Hoàng Phong bức xúc: “Nhà mình xách được hai xô nước lên, đổ vào bình nước nhỏ để dùng dần thì phát hiện ra nước có màu vàng vàng, mùi rất tanh, khó chịu. Thế là mình vội vàng đi đổ ngay. Sau đó mới biết đó là nước sạch nhưng lại được chở bằng xe bồn chưa được thau rửa”.
Tối qua (16/10), tại chung cư VP6 Linh Đàm, ban quản lý tòa thông báo sẽ cắt nước vào ngày 18/10 để thau rửa bể ngầm và bể trên mái. Ngay sau đó, nhiều người dân đã rục rịch chuẩn bị xô chậu, thậm chí là cả bể bơi mini của con để trữ nước.
Thông báo cắt nước để thau rửa bể tại chung cư VP6
Còn chị Hoa (cư dân chung cư Kim Văn Kim Lũ, phường Đại Kim, Hoàng Mai) tranh thủ lúc xe chở nước miễn phí đến đã huy động cả nhà gồm hai vợ chồng, hai đứa và mẹ chồng mang can, xô, chậu, chai lọ xuống dưới sân để lấy nước về.
Chị Hoa than thở: “Nhà mình cũng mua nước đóng chai uống, những vẫn lấy thêm nước sạch để nấu nướng, rửa rau quả… Chẳng bao giờ mình tưởng tượng ra việc ở giữa thủ đô mà lại xảy ra cảnh có nước mà không dám ăn uống như này. Thật là bi hài, “khổ như thời bao cấp” vậy.
Người dân chung cư Kim Văn - Kim Lũ xếp hàng lấy nước miễn phí
Dân cư tại chung cư The Golden An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) cũng chịu cảnh “dở khóc, dở cười” khi nguồn nước bị nhiễm bẩn. Các hộ dân đã mua nước đóng chai để phục vụ cơm nước, còn việc tắm giặt, rửa bát, vệ sinh… vẫn phải sử dụng nguồn nước được cấp. Tuy nhiên, bất tiện và lo lắng nhất vẫn là những gia đình có con nhỏ.
Những hình ảnh thường gặp trong những ngày qua tại Hà Nội
Chị Ánh Tuyết - cư dân sống tại chung cư The golden An Khánh có con 10 tháng tuổi than thở: “Mình rất lo lắng vì trước khi có kết quả công bố, gia đình vẫn ăn uống nguồn nước bẩn nhưng đã qua máy lọc. Khi được lọc thì mùi không còn nhưng chẳng rõ chất lượng thế nào. Mấy ngày nay chuyển qua mua nước khoáng đóng chai để uống. Nhưng nước này lại không pha được sữa cho bé, thế là mình phải qua tận nhà anh em ở khu Đống Đa xin được một can để dành pha sữa cho con”.
Và còn vô số những câu chuyện bi hài mà hàng vạn người dân Hà Nội đang chịu cảnh lao đao, khốn khổ vì nguồn nước bị nhiễm bẩn. Nhiều người dân nhìn nhau rồi tự hỏi: “Bao giờ mới qua hết cảnh này?”