Thí sinh gian lận điểm thi có được tiếp tục theo học?
Bị giảm đến 11 điểm sau khi chấm thẩm định nhưng một thí sinh ở Sơn La vẫn trúng tuyển và theo học tại trường Đại học Luật Hà Nội.
Gian lận trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 vừa qua tại một số tỉnh như Sơn La, Hoà Bình, Hà Giang đang nhận được sự quan tâm chú ý của đông đảo dư luận.
Tại trường Đại học Luật Hà Nội có một trường hợp thí sinh ở Sơn La mặc dù có kết quả chấm thẩm định kỳ thi THPT Quốc gia 2018 giảm đến 11 điểm nhưng thí sinh này vẫn được trúng tuyển và theo học tại trường.
Trả lời báo chí về trường hợp này, ông Trần Quang Huy, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Luật Hà Nội cho biết sở dĩ có sự việc trên là do thí sinh này xét tuyển vào trường bằng tổ hợp C00 (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý).
Trong đó điểm Ngữ văn 8,75; Lịch sử 7,5 và Địa lý 8,25 cộng 2,75 điểm ưu tiên nên đạt 26 điểm và vẫn đỗ vào ngành Luật (điểm chuẩn ngành này năm 2018 với khối C00 là 25 điểm).
Kết quả chấm thẩm định của thí sinh này cho thấy điểm môn Toán được nâng từ 5,8 lên 9,8 điểm và môn Ngoại ngữ được nâng từ 2,8 lên 9,8 điểm (được nâng tổng cộng 11 điểm). Mặc dù bị giảm 11 điểm sau khi chấm thẩm định nhưng do không dùng 2 môn bị giảm điểm để xét tuyển nên thí sinh này vẫn tiếp tục được học ở Đại học Luật.
Từ trường hợp của thí sinh trên, nhiều ý kiến cho rằng "kể cả thí sinh đủ điểm cũng không thể cho tiếp tục học vì có liên quan đến hành vi gian lận".
Trao đổi với PV, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp – Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng kết luận còn cần phải chờ kết quả xác minh làm rõ nguyên nhân, động cơ, mục đích của việc sửa điểm, nâng điểm của cơ quan điều tra.
Luật sư Cường phân tích, nếu kết quả điều tra cho thấy thí sinh này đã "cùng ý chí" với bố mẹ, người thân trong gia đình để tác động tới người có chức vụ, quyền hạn để được sửa điểm, nâng điểm (tới 11 điểm) nhằm đỗ đại học thì hành vi này có dấu hiệu của tội đưa hối lộ theo quy định tại Điều 364 Bộ luật Hình sự, bất kể sự tác động đó là tác động bằng vật chất hoặc tác động phi vật chất.
Trong trường hợp này thì đương nhiên thí sinh này sẽ bị đuổi học, bị truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm với người đã tác động tới người sửa điểm, nâng điểm thi.
Trong trường hợp kết luận của cơ quan tiến hành tố tụng cho thấy việc sửa điểm, nâng điểm do phụ huynh hoặc do người có chức vụ tự mình nâng điểm mà học sinh này hoàn toàn không biết thì chỉ những người vi phạm bị xử lý trước pháp luật còn học sinh sẽ không phải chịu trách nhiệm với gian lận tiêu cực đó.
Nếu điểm thi thật được công nhận (không thuộc trường hợp vi phạm quy chế thi dẫn tới hủy bỏ kết quả thi) và đủ điều kiện trúng tuyển thì thí sinh này vẫn tiếp tục được theo học tại trường này.
Như vậy, việc thí sinh này có tiếp tục được theo học hay không phụ thuộc vào việc thí sinh này có lỗi hay không trong việc gian lận điểm thi ? Có sai phạm đến mức bị hủy bỏ kết quả thi theo quy chế thi hay không?
Nếu có sai phạm thì mức độ sai phạm đến đâu? Điểm thi thực có đủ để tuyển sinh vào trường đại học đó.. là những yếu tố quyết định việc thí sinh có còn tiếp tục được học hay không.
Việc quyết định về việc tiếp tục học, buộc thôi học, hủy bỏ kết quả tuyển sinh, xử lý bằng chế tài pháp luật phải do người có thẩm quyền quyết định trên cơ sở các trình tự, thủ tục luật định.