Thí sinh định hướng tương lai hãy tin vào Bộ GD&ĐT và nhà quản lý
TS Nguyễn Thị Hồng, giảng viên Học viện Báo chí & Tuyên truyền đã có những lời khuyên cho các em học sinh: "Hãy tin vào sự công tâm của của nhà quản lý, Bộ GD&ĐT và xã hội để có được định hướng tương lai đúng đắn".
Gian lận điểm thi ở Hà Giang đang là tâm điểm chú ý của cả Việt Nam
Vụ việc gian lận điểm thi ở Hà Giang đang gây xôn xao dư luận vì tính chất nghiêm trọng của sự việc. Trao đổi với PV Đời sống Plus, TS Nguyễn Thị Hồng, giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng vụ việc không chỉ nghiêm trọng về mặt pháp lý mà còn cả về mặt đạo đức.
Hành động gian lận điểm thi đã khiến niềm tin của học sinh về sự công bằng, công tâm bị phai nhạt. Bên cạnh việc niềm tin bị lung lay, chính các em được nâng điểm cũng phải đối mặt với sự dằn vặt, cảm giác thất vọng tột độ khi điểm thi như "rơi từ thiên đường xuống địa ngục".
Người lớn phải chịu trách nhiệm
- Thưa tiến sĩ, việc gian lận điểm thi ảnh hưởng như thế nào đến tâm lý của chính các bạn học sinh được nâng điểm?
Dựa vào tình hình thực tế, chúng ta có thể thấy rõ là chính các em học sinh được nâng điểm đang phải chịu đựng một cú sốc lớn. Các em ấy bị tổn thương về danh dự, nhân phẩm khi mà sự việc được phanh phui các em sẽ bị cưỡng chế đón nhận những ánh mắt dò xét, soi mói hay những lời lẽ không hay về một lỗi lầm mà có thể chính các em cũng không hề biết.
Thêm nữa, các em ấy sẽ rơi vào tâm trạng khủng hoàng vì đang ở vị thế đỗ với điểm số rất cao nay lại trở thành thành người có điểm số ở top dưới, thậm chí là có bạn còn rớt cả tốt nghiệp. Thử nghĩ xem, đến chúng ta là người lớn còn sốc và hoang mang như vậy thì một đứa trẻ 18 tuổi sẽ phải chịu đựng những gì?
- Hành động của phụ huynh phải chăng đã vô tình khiến con em mình chịu tổn thương?
Các bậc phụ huynh thì cứ nghĩ rằng mình đang làm những điều tốt nhất cho con, nhưng không thể ngờ là khi hành động gian lận bị phát hiện thì người chịu tổn thương lớn nhất chính là con em của mình.
Từ những đứa trẻ đang hạnh phúc vì tốt nghiệp với điểm số cao nay lại thành tâm điểm bị chỉ trích khi điểm thật được công bố. Thật khó để nói rõ những khủng hoảng về mặt tâm lý mà các em phải chịu đựng.
Bên cạnh đó, hành động gian lận điểm thi cũng mang đến những ảnh hưởng xấu về mặt đạo đức đối với con trẻ. Và chính những bậc phục huynh, những người có trách nhiệm trong vấn đề này sẽ phải chịu trách nhiệm cả về mặt đạo đức nữa chứ không chỉ đơn giản là về mặt pháp lý.
Vòng tay nào sẽ tiếp nhận các em?
- Thưa tiến sĩ, những em học sinh được nâng điểm đang phải đối mặt với những điều gì?
Trước hết, các em ấy phải đối diện với chính bản thân mình, với cảm xúc thất vọng, chua xót giống như rơi từ thiên đường xuống địa ngục. Sau đó các em còn phải đối mặt với sự xấu hổ khi đối diện với bạn bè, mọi người xung quanh.
Thậm chí, sẽ có những em phải đối mặt với tương lai khó khăn hay thậm chí là cánh cửa tương lại đã bị đóng lại vì rớt tốt nghiệp. Có rất nhiều bạn vì tự tin với điểm thi của mình nên đã có dự định sẽ học ở trường đại học này, trường đại học kia hoặc là đi du học thế nhưng khi mọi việc được phơi bày, cánh cửa nào, vòng tay nào sẽ chấp nhận các em?
Việc gian lận điểm bị phát hiện sẽ khiến nhiều em học sinh đối diện với thực tế khó khăn (Ảnh minh họa)
Hãy tự tin vào khả năng của chính mình
- Vậy với những bạn không được nâng điểm, các em ấy sẽ cảm thấy như thế nào thưa tiến sĩ ?
Với những em mà không được nâng điểm và chứng kiến vụ việc gian lận điểm thi thì chắc chắn là các em ấy sẽ thấy mất niềm tin vào nền giáo dục sự công bằng, mình bạch trong thi cử ở Việt Nam
Các em cũng sẽ nảy sinh những nghi ngờ không hay như: Hà Giang chắc gì đã là tỉnh duy nhất ở Việt Nam có tình trạng gian lận điểm thi? Liệu các kết quả của các kỳ thi khác hay các năm trước có công bằng?
Thật sự, hành đồng này không chỉ khiến thế hệ các em 2000 mất niềm tin vào giáo dục đâu, mà nó khiến cả một thế hệ mai sau mất niềm tin và có cái nhìn tiêu cực về giáo dục.
- Thưa tiến sĩ, vậy những bạn sinh năm 2001, 2002 hay 2003 – những học sinh tiếp theo đối diện với kỳ thi THPT quốc gia sẽ cảm thấy như thế nào?
Các em ấy sẽ hoang mang, lo lắng vì không biết rằng liệu công sức mình bỏ ra có được đền đáp bằng những kết quả xứng đáng hay không, hay là sẽ lại phải đối diện với tình huống như các anh chị 2000 đang phải trải qua.
Và những trường hợp như học hành chăm chỉ, nỗ lực nhưng không có được kết quả cao còn những bạn chưa thật sự chăm chỉ nhưng nhờ gian lận lại có kết quả cao sẽ khiến cái nhìn của các bạn về giáo dục, xã hội bị méo mó đi.
- Tiến sĩ có lời khuyên gì với những học sinh còn đang sách đèn, dùi mài kinh sử?
Các bạn vẫn phải giữ vững thái độ tự tin, nỗ lực và hy vọng vào những điều tốt đẹp.
Thứ nhất, nếu không tự tin vào khả năng của bản thân, thứ hai là phải tin rằng điều tốt đẹp và cái đúng luôn hiện hữu, những cái xấu xa, sự gian lận cuối cùng đều bị phát hiện. Thế nên các em hãy tin vào sự công tâm của của nhà quản lý, Bộ GD&ĐT và xã hội để có được định hướng tương lai đúng đắn.
Xem thêm: Điểm số thẩm định gây sốc của thí sinh Hà Giang khẳng định 'không chạy điểm'