Thanh niên 27 tuổi mắc Covid-19, gặp biến chứng đột quỵ
Các chuyên gia tin rằng đột quỵ là biến chứng của Covid-19. Nghiên cứu trước đó cũng cho thấy bên cạnh phổi, nCoV tấn công hầu hết các cơ quan quan trọng.
Thanh niên 27 tuổi mắc Covid-19, gặp biến chứng đột.quỵ. Ảnh minh họa
Khi bố của Ravi Sharma tìm thấy con trong phòng ngủ, chàng trai 27 tuổi đã đổ gục trên giường, không di chuyển được nửa bên phải cơ thể. Trước đó, anh bị ho nặng và tự cách ly một tuần. Là một nhân viên cấp cứu, anh biết mình có thể nhiễm nCoV, theo Vnexpress.
Trong vài giờ tiếp theo, bác sĩ tại Bệnh viện Jamaica nỗ lực loại bỏ cục máu đông chặn động mạch và phục hồi lượng máu cho bán cầu não trái của anh. Họ chẩn đoán Sharma mắc Covid-19. Phổi anh chứa đầy dịch, nồng độ oxy máu thấp và cần đến máy thở.
Bác sĩ cũng sử dụng thuốc làm loãng máu để ngăn ngừa tình trạng chuyển biến xấu hơn. Có những ngày, cơn sốt của anh tăng 40 độ C, tim đập nhanh và suy giảm chức năng phổi.
Hôm 8/4, Sharma bắt đầu bị co giật. Anh được dùng thuốc an thần liều cao, bổ sung các loại thuốc.
Trường hợp của Sharma khiến y bác sĩ đặt nhiều dấu hỏi. Anh còn quá trẻ để bị đột quỵ. Chàng trai tập luyện hàng ngày và không có tiền sử tiểu đường, huyết áp cao hoặc các bệnh trạng liên quan. Đột quỵ ở thanh thiếu niên là rất hiếm gặp.
Các bác sĩ thần kinh tại thành phố New York, Detroit, New Jersey và một số khu vực khác cũng báo cáo trường hợp tương tự. Nhiều người tin rằng đột quỵ là biến chứng của Covid-19. Nghiên cứu trước đó cũng cho thấy bên cạnh phổi, nCoV tấn công hầu hết các cơ quan quan trọng.
"Chúng tôi quan sát thấy một số người trẻ chỉ bị ho nhẹ hoặc không có biểu hiện nào. Họ tự cách ly tại nhà theo quy định và bị đột quỵ", tiến sĩ Adam Dmytriw, chuyên gia X-quang, Đại học Toronto, cho biết. Hầu hết bệnh nhân của ông dưới 65 tuổi. Đôi khi đột quỵ là triệu chứng đầu tiên khi nhiễm nCoV, song nhiều người ngần ngại đến phòng cấp cứu vì sợ lây chéo virus.
Các bác sĩ tại Hệ thống Y tế Mount Sinai ở New York cũng báo cáo số thanh thiếu đột quỵ tăng bất thường trong đại dịch. Họ đã điều trị cho 5 người chỉ trong hai tuần đầu tháng 5. Theo bác sĩ Johanna Fifi, thông thường phải ba tuần, bệnh viện mới tiếp nhận một người đột quỵ dưới 50 tuổi.
4 trong số 5 bệnh nhân tương đối khỏe mạnh. Hai người khoảng 30 tuổi, cơ thể không có các yếu tố dễ dẫn đến đột quỵ. "Chúng tôi cho rằng tình trạng này hẳn phải liên quan đến Covid-19", bác sĩ Fifi nói.
Các chuyên gia phỏng đoán đột quỵ sau nhiễm nCoV là hệ quả của hiện tượng đông máu, thường xuất hiện ở các ca nguy kịch. Theo các bác sĩ, bệnh nhân nặng có thể phát triển cục máu đông ở chân và phổi, đe dọa tính mạng. Máu của họ đặc và nhớt đến nỗi chặn được đường truyền tĩnh mạch và ống thông.
Trong một diễn biến toàn cầu, ngày 19/5, các nước thành viên Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã nhất trí tổ chức một cuộc điều tra độc lập về phản ứng của WHO với Covid-19, trong bối cảnh Mỹ ngày càng chỉ trích cơ quan Liên Hiệp Quốc này về cách xử lý đại dịch, theo Hãng tin AFP, Tuổi trẻ đưa tin.
Cụ thể, tại cuộc họp thường niên của Đại hội đồng Y tế thế giới (WHA) và cũng là cuộc họp trực tuyến đầu tiên như vậy, các quốc gia đã nhất trí thông qua nghị quyết kêu gọi tiến hành một "cuộc đánh giá công bằng, độc lập và toàn diện" về phản ứng toàn cầu với Covid-19, bao gồm một cuộc điều tra về các hành động của WHO và "các tiến độ của họ gắn với đại dịch Covid-19".
Theo Hãng tin Reuters, không quốc gia nào trong số 194 nước thành viên của WHO - gồm Mỹ - phản đối dự thảo nghị quyết này.
Bản dự thảo nghị quyết được Liên minh châu Âu đưa ra, đại diện cho hơn 100 quốc gia, trong đó có Úc, Nhật Bản, Trung Quốc.