Tác giả 'Bài ca hi vọng' - nhạc sĩ Văn Ký qua đời ở tuổi 92
Nhạc sĩ Văn Ký, tác giả của ca khúc Bài ca hy vọng, đã trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện Hữu Nghị Hà Nội hưởng thọ 92 tuổi.
Thông tin được PGS. NSƯT Vũ Chí Nguyện - nguyên phó giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam - trưởng nam của nhạc sĩ Văn Ký - chia sẻ với Tuổi Trẻ Online.
Ông Vũ Chí Nguyện cho biết, nhạc sĩ Văn Ký đã qua đời vào lúc 9h20 sáng nay 26/10, tại bệnh viện Hữu Nghị Hà Nội sau 10 ngày nằm cấp cứu tại đây.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, nhạc sĩ Lân Cường thể hiện sự tiếc thương trước sự ra đi của nhạc sĩ Văn Ký.
“Cách đây 4 ngày, tôi nghe tin nhạc sĩ Văn Ký đã nhập viện cấp cứu. Không ngờ, sáng nay anh đã… đi rồi. Cách đây một tháng, tôi đã đến ghi lại nhiều hình ảnh về cuộc sống đời thường của anh…”, nhạc sĩ Lân Cường xúc động nói.
Hiện gia đình đã chuyển ông sang Bệnh viện 108 và dự kiến sẽ tổ chức tang lễ tại Nhà tang lễ Bộ quốc phòng.
Nhạc sĩ Văn Ký tên thật là Vũ Văn Ký, sinh năm 1928 tại H.Vụ Bản, Nam Định.
Nhạc sĩ Văn Ký tham gia cách mạng khi mới 15 tuổi. Năm 1945, ông cùng quân dân H.Nông Cống (Thanh Hóa) tham gia giành chính quyền và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 1946. Cũng trong năm này, ông viết ca khúc đầu tay Trăng xưa.
Sau khi tham gia học lớp âm nhạc tại Liên khu 4 ở Nghệ An, ông về hoạt động văn nghệ tại Bình Trị Thiên. Ông đã viết ca khúc Bình Trị Thiên quật khởi trong khoảng thời gian này.
Ông làm Trưởng đoàn Văn công Liên khu 4 từ năm 1950 - 1954 và tham gia ban nhạc Hội Văn nghệ Việt Nam từ năm 1955 - 1957.
Năm 1957, ông là hội viên sáng lập và là ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Ủy viên Thường vụ của Hội từ năm 1963
Nhạc sĩ Văn Ký đã sáng tác khoảng 400 tác phẩm gồm ca khúc, ca kịch, nhạc múa, giao hưởng… Sự nghiệp sáng tác của ông gắn liền với những ca khúc cách mạng, trữ tình.
Ông đã viết những tác phẩm như Tình hậu phương, Chiến thắng hòa bình, Bài ca hy vọng, Trời Hà Nội xanh… Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến những tác phẩm khí nhạc của ông như nhạc cảnh Dân công lên đường, Lúa thoái tô, ca kịch Nhật ký sông Thương, tổ khúc thiếu nhi cho piano, tổ khúc vũ kịch Kơ Nhí hay những tác phẩm viết cho các bộ phim như Cô gái công trường, Trên vĩ tuyến 17, phim tài liệu Bác Hồ muôn vành tình yêu…
Nổi tiếng nhất phải kể đến ca khúc “Bài ca hy vọng”, một tác phẩm bất hủ làm lên tên tuối Văn Ký. Ca khúc ra đời cách đây hơn nửa thế kỷ, thể hiện tâm tư, tình cảm từ đáy lòng của người nhạc sĩ, gửi niềm hy vọng vào cuộc sống, từ thời chiến tranh ác liệt cho đến ngày đất nước hoà bình. Giai điệu mượt mà, tha thiết cùng ca từ dung dị, sâu lắng đã thấm vào trái tim yêu nhạc và tâm hồn của bao thế hệ người Việt Nam.
Chia sẻ về những đứa con tinh thần của mình, nhạc sĩ Văn Ký từng tâm sự trên VOV: “Tôi đã có may mắn được sống qua nhiều thời kỳ lịch sử... Ngay cả thời kỳ gian khổ tôi vẫn tin tưởng ngày mai chiến thắng. Thậm chí tôi mơ ước bay lên trong niềm mơ ước đất nước Việt Nam sẽ hòa bình thống nhất và đất nước sẽ tươi đep như màu xanh, áo mới và qua hai cuộc kháng chiến chúng ta đã giành thắng lợi”…
Nhạc sĩ Văn Ký được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - nghệ thuật vào năm 2001, Huân chương Độc lập hạng ba (năm 1961), Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng…