Sự thật công dụng của 'thần dược' giúp uống rượu không say
Càng uống nhiều rượu bia thì càng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và không có "thần dược" nào giúp uống rượu mà không say.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), năm 2016 một người Việt Nam trưởng thành tiêu thụ 8,3 lít cồn (tương đương 470 chai bia). Những chầu rượu bia trở thành món ăn tinh thần cho các bữa tiệc cho tất cả các mối quan hệ trong xã hội.
Thực trạng gia tăng sử dụng rượu, bia tại Việt Nam đã gây ra những hệ lụy nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng con người và các vấn đề kinh tế, xã hội.
Buồn, vui người ta đều nghĩ đến bia, rượu. Dù biết uống những thứ này có hại cho sức khoẻ nhưng nhiều người vẫn bỏ ngoài tai. Nhiều cánh mày râu còn biến chén rượu trở thành thước đo bản lĩnh đàn ông, càng uống nhiều càng chứng tỏ bản lĩnh của mình.
Gần đây, trên thị trường và mạng xã hội xuất hiện một loại thuốc giúp uống rượu không say khiến cánh mày râu rỉ tai nhau là 'thần dược ngàn chén không say'. Vậy loại thuốc này có thực sự có tác dụng?
BS-CKI Lê Thị Cẩm Thơ, Khoa Khám bệnh Bệnh viện Nhân dân 115, trả lời trên NLĐ, sau khi uống, rượu sẽ được hấp thu nhanh vào đường tiêu hóa, 20% ở dạ dày, gần 80% xuống ruột non và đi vào máu. Một lượng nhỏ rượu được bài tiết qua mồ hôi, hơi thở, nước tiểu. Chuyển hóa rượu xảy ra chủ yếu ở gan.
Nếu tốc độ và nồng độ rượu uống vào vượt quá khả năng chuyển hóa của gan, gan sản xuất không kịp enzym để chuyển hóa acetaldehyde, lúc đó chất này ứ đọng trong cơ thể, gây ra những tác hại cho sức khỏe.
Trên thị trường hiện có nhiều thuốc được giới thiệu là "thuốc giải rượu". Thực chất đây là thực phẩm chức năng, chứa các thành phần như vitamin B1, B6, B12, axít glutamic... Những chất này được cho là góp phần tham gia quá trình chuyển hóa rượu.
Cho đến nay chưa có bằng chứng nào chứng minh những loại này có khả năng bảo vệ hoặc phục hồi tổn thương các cơ quan do rượu hoặc giúp người uống không bị say xỉn.
Nhiều "thuốc giải rượu" không có nguồn gốc, xuất xứ, thành phần thuốc không rõ ràng, nên một trong những thành phần của thuốc uống vào có thể gây tác dụng phụ từ nhẹ đến nặng cho người sử dụng. Khi uống "thuốc giải rượu", vì nó tham gia vào quá trình chuyển hóa rượu, nên cả rượu và thuốc cùng lúc được chuyển hóa qua gan, làm tăng gánh nặng cho gan, càng làm tăng nguy cơ gây suy gan cấp.
Càng uống nhiều rượu bia thì càng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và không có "thần dược" nào giúp uống rượu mà không say. Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe, tốt nhất chúng ta không dùng rượu bia, còn nếu dùng thì phải có kiểm soát và uống trong giới hạn cho phép.