Số ca nhiễm Covid-19 trên toàn thế giới tăng gấp đôi sau 2 tuần
Số người nhiễm Covid-19 trên toàn cầu đã vượt mốc 200.000 người vào tối 18/3 (giờ Việt Nam) và diễn biến ngày một phức tạp.
PLO dẫn nguồn theo dữ liệu của WHO, tổng số ca nhiễm bệnh trên toàn thế giới dao động khoảng 100.000 người vào ngày 6/3. Tuy nhiên, chỉ đến ngày 18/3, con số này đã tăng gấp đôi, vượt mốc 200.000 người nhiễm bệnh.
"Trong hai tuần qua, số lượng các trường hợp bên ngoài Trung Quốc đã tăng gấp 13 lần và số lượng các quốc gia bị ảnh hưởng đã tăng gấp ba lần. Trong những ngày và tuần tới, chúng tôi e rằng con số người tử vong và số quốc gia bị ảnh hưởng bởi đại dịch sẽ còn gia tăng", Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết.
Ngày 18/3 (theo giờ Việt Nam), phát biểu sau cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo các nước Liên minh châu Âu (EU), Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel cho biết EU sẽ đóng cửa biên giới đối với công dân các nước ngoài khối trong thời hạn 30 ngày để chặn dịch COVID-19, theo hãng tin Reuters.
Nguồn: Bộ Y tế
Tính đến nay, Ý là nước hứng chịu tổn thất nhân mạng nặng nhất ở châu Âu vì dịch COVID-19, với 2.978 người chết kể từ bệnh dịch bùng phát ở nước này vào ngày 21/2. Số trường hợp dương tính tại nước này hiện đã là 35.713 ca, cao nhất lục địa.
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Pháp, trong 24 giờ qua nước này đã ghi nhận thêm 89 ca tử vong do virus SARS-CoV-2 và 1.404 ca mắc mới, nâng tổng số trường hợp tử vong lên 264 người và số ca mắc lên 9.134 người. Ngoài ra, trong số 3.626 bệnh nhân phải nhập viện có 921 người trong tình trạng phải chăm sóc đặc biệt.
Dịch bệnh lây lan nhanh đã buộc Hội đồng Bộ trưởng Pháp chiều 18/3 phải xem xét khả năng công bố "tình trạng y tế khẩn cấp,” qua đó cho phép Thủ tướng ban hành các biện pháp mạnh như giới hạn tự do đi lại, cấm hội họp, hay trưng dụng bất kỳ tài sản và dịch vụ cần thiết nào để ngăn chặn thảm họa y tế.
Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế sẽ được phép quyết định những biện pháp khác nhằm đối phó với khủng hoảng. Trong tuyên bố liên quan, giới chức quốc phòng Pháp cho biết quân đội sẽ không tham gia kiểm soát các biện pháp hạn chế đi lại, nhưng sẽ đóng góp các hỗ trợ y tế như vận chuyển bệnh nhân bằng trực thăng quân sự.