Scandal Khaisilk: Bộ Công Thương mở rộng kiểm tra trên toàn quốc

01-11-2017 17:03:00

Liên quan đến scandal Khaisilk bán khăn made in China, Bộ Công Thương đã tiếp tục mở rộng kiểm tra Công ty TNHH Đức Khải và các chi nhánh, địa điểm kinh doanh toàn quốc.


Sau scandal Khaisilk, Bộ Công Thương mở rộng kiểm tra trên toàn quốc. Ảnh báo Đầu tư

Bộ trưởng Công Thương vừa ký quyết định thành lập đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng liên quan tới vụ Khaisilk bán khăn "Made in China” gắn mác “Made in Vietnam”, theo thông tin từ Bizlive.vn

Đoàn sẽ kiểm tra Công ty TNHH Khải Đức (trụ sở chính số 2 Phan Văn Chương, phường Tân Phú, quận 7, TP.HCM) và các chi nhánh, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp.

Bộ Công Thương cho biết, đoàn có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, thực hiện kiểm tra việc chấp hành pháp luật có liên quan, phát hiện và xử lý hoặc đề xuất xử lý các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật tại Khaisilk. Đồng thời sẽ báo cáo kết quả kiểm tra, đề xuất nhiệm vụ và giải pháp quản lý lên cơ quan có thẩm quyền.

Đoàn kiểm tra sẽ do ông Trịnh Anh Tuấn, Phó cục trưởng phụ trách Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) làm trưởng đoàn, gồm các thành viên thuộc cơ quan: thuế, Bộ Khoa học công nghệ, cơ quan điều tra công an, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng, cùng các cơ quan trực thuộc Bộ... Cục Quản lý thị trường làm đầu mối làm việc với Tập đoàn Khải Đức.

Cũng liên quan đến vụ việc khăn lụa Khaisilk có nhãn Made in China, trước đó, ngày 26/10, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Cục Quản lý thị trường kiểm tra vụ việc liên quan đến xuất xứ hàng hóa của Tập đoàn Khaisilk, báo Kinh tế & Đô thị đưa tin. 

Báo cáo của Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội tại cửa hàng KhaiSilk số 113 Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho thấy, tại thời điểm kiểm tra, cửa hàng kinh doanh hàng dệt may số 113 Hàng Gai do bà Nguyễn Thị Thu Nga là chủ hộ kinh doanh, có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hộ cá thể.

Qua kiểm tra, bà Nguyễn Thị Thu Nga thừa nhận, hộ kinh doanh Khai Silk chuyên kinh doanh các mặt hàng lụa tơ tằm do Việt Nam sản xuất. Tuy nhiên, do sơ suất trong quản lý, trong dịp 20/10 vừa qua, do nhu cầu hàng hóa tăng đột biến nên các nhân viên cửa hàng đã tự ý mua sản phẩm khăn lụa tơ tằm trên thị trường về cắt bỏ nhãn gốc "Made in China", sau đó khâu nhãn KhaiSilk "Made in Vietnam" để bán cho khách hàng.

Trước đó, chiều 30/10, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chủ trì họp với các đơn vị liên quan, nghe báo cáo về việc kiểm tra và xử lý vụ vi phạm liên quan đến xuất xứ hàng hóa của sản phẩm khăn lụa Khaisilk.

Về phía ngành thuế, trong phát biểu ngày 27/10, ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cũng cho biết đã chỉ đạo cơ quan chức năng thực hiện đánh giá việc chấp hành nghĩa vụ thuế của Tập đoàn Khaisilk, theo báo Đầu tư.

Thống kê Hải quan trong 9 tháng cho thấy, số lượng nhập khẩu khăn tơ tằm từ Trung Quốc vào Việt Nam là 4.460 chiếc, trị giá 5.878 USD (bình quân khoảng 1,3 USD/chiếc, tức là gần 30.000 đồng/chiếc).

Các mặt hàng nhập khẩu gồm hàng khăn choàng, khăn quàng cổ, khăn choàng rộng đội đầu, khăn choàng vai, mạng che và các loại tương tự từ tơ tằm hoặc phế liệu tơ tằm (mã HS 6214.10). 

Số lượng khăn trong 9 tháng qua lớn hơn số đã nhập trong các năm 2015 và năm 2016. Trước đó, trong năm 2015, báo cáo của ngành hải quan thống kê, Việt Nam nhập khoảng 3.763 chiếc khăn Trung Quốc, trị giá 20.497 USD (bình quân khoảng 5,4 USD/chiếc).

Tới năm 2016, Việt Nam chỉ nhập tổng cộng 577 chiếc với trị giá 9.458 USD, bình quân hơn 16 USD/chiếc. Cũng theo Tổng cục Hải quan, ngoài mặt hàng khăn thành phẩm, Việt Nam còn nhập hơn 500.000m vải dệt thoi dệt từ tơ tằm hoặc từ phế liệu tơ tằm (mã HS 5007).

Ngô Huệ (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //