Sau ngày 6/9, Hà Nội tiếp tục giãn cách xã hội tại vùng có dịch

02-09-2021 19:42:12

Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội đã thống nhất chủ trương sau đợt giãn cách thứ 3 kết thúc sáng 6/9 Hà Nội tiếp tục giãn cách ở "vùng đỏ" và điều chỉnh các biện pháp cao hơn nguyên tắc Chỉ thị 15 với vùng “cam, xanh”.

Sau đợt giãn cách thứ ba, Hà Nội tiếp tục giãn cách ở "vùng đỏ" và điều chỉnh các biện pháp cao hơn nguyên tắc Chỉ thị 15 với vùng “cam, xanh”. Đây là một trong những nội dung thông báo kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường công tác phòng, chống Covid-19, ban hành ngày 1/9.

Theo đó, sau đợt giãn cách thứ ba (ngày 6/9), Hà Nội sẽ thiết lập ba vùng, chia theo mức độ nguy cơ và đặc điểm địa lý - dân cư - sinh hoạt - sản xuất. Ba vùng gồm: nội đô (khu vực mật độ dân cư cao, tập trung các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ), phía Bắc sông Hồng (tập trung các cơ sở sản xuất công nghiệp) và vùng phía Tây, phía Nam (tập trung các khu vực sản xuất nông nghiệp).

Trên cơ sở phân vùng, đánh giá các khu vực có nguy cơ rất cao “vùng đỏ” để tiếp tục thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo mức cao hơn Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ với nguyên tắc “ai ở đâu ở đó” để khoanh vùng, truy vết, xử lý, dập dịch triệt để,

Tại các khu vực nguy cơ cao “vùng cam” và nguy cơ thấ hơn “vùng xanh” điều chỉnh các biện pháp ở mức cao hơn nguyên tắc Chỉ thị 15 (15+) của Thủ tướng để tổ chức phục hồi sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ các khu vực “vùng đỏ”, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ, phù hợp tình hình dịch bệnh.

Đường phố Hà Nội vắng vẻ trong ngày Quốc khánh 2/9. Ảnh: Khôi Lâm.

Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội giao Ban cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp thu, hoàn thiện chỉ đạo xây dựng phương án tổ chức thực hiện phân vùng bảo đảm kỹ lưỡng, chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất, khoa học, hiệu quả theo cơ chế vận hành, liên kết, phối hợp giữa các vùng, đảm bảo đầy đủ nguồn hàng hóa, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm… đặc biệt là việc cung ứng hàng hóa thiết yếu cho nhân dân.

Đồng thời, phải đảm bảo công tác an sinh xã hội với phương châm vừa làm vừa rút kinh nghiệm và điều chỉnh kịp thời những vấn đề bất cập, vướng mắc, phát sinh phù hợp với tình hình thực tiễn.

Đối với các Sở, ban, ngành của thành phố phải căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ động tổ chức khảo sát, đánh giá kỹ, xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết hướng dẫn các địa phương tổ chức triển khai thực hiện.

Bí thư, Chủ tịch UBND các quận, huyện căn cứ tình hình dịch trên địa bàn được phép áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch ở mức cao hơn và chịu trách nhiệm người đứng đầu trước thành phố.

Trong đợt dịch thứ tư (từ 27/4 đến nay), 30/30 quận, huyện, thị xã của Hà Nội đều ghi nhận ca mắc mới. Hiện, thành phố có 6 ổ dịch phức tạp gồm: ngõ 24 Kim Đồng (phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai); chợ Ngọc Hà (quận Ba Đình); phường Văn Miếu, Văn Chương (quận Đống Đa); phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) và xã Tân Lập (huyện Đan Phượng).

Đây là những chuỗi lây nhiễm mới phát hiện đã ghi nhận lượng bệnh nhân lớn. Một số chuỗi lây nhiễm khác đã phát hiện thời gian khá lâu song đến nay vẫn rải rác có thêm ca bệnh.

Một số địa bàn có số ca bệnh thấp (dưới 10 ca) như huyện Chương Mỹ, Ba Vì và thị xã Sơn Tây. Một số quận, huyện đã nhiều ngày không có ca mắc mới, các ca bệnh cũ đều đã được kiểm soát như Gia Lâm, Long Biên, Cầu Giấy, Quốc Oai, Sóc Sơn...

Cộng dồn số ca mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ tư 3.366 ca, trong đó số ca mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.553 ca, số ca mắc là các trường hợp đã được cách ly 1.813 ca.

 

Anh Quân
Theo Giáo dục và Thời đại //