Sao kê từ thiện của vợ chồng Thủy Tiên - Công Vinh: Cần mời công ty kiểm toán để soát xét các khoản thu chi
Luật sư Lê Bá Thường cho rằng, nếu cơ quan điều tra phát hiện có hành vi ăn chặn tiền từ thiện của người kêu gọi quyên góp thì họ sẽ bị tội hình sự về "chiếm đoạt tài sản", nhưng nếu người tố giác sai, làm mất uy tín người khác vì động cơ đê hèn sẽ bị xử tội "vu khống".
Sáng 18/9, phóng viên Dân Việt đã có trao đổi nhanh với luật sư Lê Bá Thường - Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Dân Luật Tín Thành (Đoàn luật sư TP.HCM) để làm rõ hơn vấn đề cơ quan kiểm toán, cơ quan điều tra có vào cuộc hay không từ chuyện sao kê từ thiện của vợ chồng Thủy Tiên – Công Vinh.
Theo luật sư Lê Bá Thường, việc sao kê tài khoản ngân hàng thực sự rất cần thiết cho mỗi chủ tài khoản để giúp họ kiểm soát được lịch sử diễn biến của dòng tiền và biết được số dư còn chính xác của tài khoản.
Thông tin khách hàng với tổ chức tín dụng là thông tin về tài khoản, thông tin về tiền gửi, thông tin về tài sản gửi; thông tin về giao dịch; thông tin về tổ chức. Cá nhân là bên bảo đảm tại tổ chức tín dụng chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các thông tin có liên quan khác (khoản 1 Điều 3 Nghị định 117/2018/NĐ-CP) và là thông tin mà ngân hàng có trách nhiệm phải giữ bí mật cho khách hàng được cung cấp theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi, bổ sung năm 2017, Nghị định này và pháp luật có liên quan (khoản 1 Điều 4 NĐ 117/2018/NĐ-CP).
Do đó, chỉ có chủ tài khoản ngân hàng mới có quyền yêu cầu sao kê tài khoản của mình bằng hình thức trực tiếp tại trụ sở tổ chức tín dụng hoặc gián tiếp thông qua phương tiện điện tử, hệ thống mạng viễn thông và mạng máy tính (khoản 1 Điều 6 NĐ 117/2018/NĐ-CP).
Luật sư Lê Bá Thường - Giám đốc Công Ty Luật TNHH MTV Dân Luật Tín Thành (Đoàn luật sư TP.HCM). Ảnh: NVCC.
Vì thế người khác không có quyền sao kê tài khoản ngân hàng của một cá nhân hay tổ chức khi không có ủy quyền của chủ tài khoản.
Trong trường hợp cơ quan nhà nước, tổ chức khác, cá nhân chỉ được yêu cầu tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung cấp thông tin khách hàng theo đúng mục đích, nội dung; phạm vi; thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Hoặc khi được sự chấp thuận của khách hàng và phải chịu trách nhiệm về việc yêu cầu cung cấp thông tin khách hàng.
Chủ tài khoản ngân hàng có quyền khiếu nại, khởi kiện, yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật trong trường hợp cơ quan nhà nước, tổ chức khác, cá nhân, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cung cấp, sử dụng thông tin khách hàng không đúng quy định của pháp luật (khoản 3, Điều 4, Điểm b, khoản 1 Điều 13 NĐ 117/2018/NĐ-CP).
Vợ chồng Công Vinh, Thủy Tiên đến ngân hàng chi nhánh Vietcombank quận 7 vào chiều 17/9, để thực hiện sao kê số tiền từ thiện trong đợt bão lũ miền trung vừa qua. Ảnh: Chinh Hoàng.
Nếu việc sao kê tài khoản ngân hàng mà có hành vi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác thì khi bị phát hiện sẽ bị xử phạt hành chính với số tiền từ 1 triệu đến 2 triệu đồng.
Đồng thời, hình phạt bổ sung là tịch thu số tiền đã quyên góp được (điểm c khoản 1, khoản 3 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP).
Thời gian qua, có rất nhiều thông tin lùm xùm về việc lợi dụng làm từ thiện để có hành vi tiêu cực với số tiền nhận được, nếu cơ quan điều tra phát hiện có hành vi ăn chặn tiền từ thiện của người kêu gọi quyên góp thì họ sẽ bị tội hình sự về chiếm đoạt tài sản, nhưng nếu người tố giác sai, làm mất uy tín người khác vì động cơ đê hèn sẽ bị xử tội "vu khống", bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm (Điều 156 BLHS 2015).
CEO Đại Nam Nguyễn Phương Hằng nói rằng "dữ liệu sao kê hôm nay của Thủy Tiên không có giá trị pháp lý và có thể đã bị can thiệp bởi các thủ thuật". Ảnh minh hoạ: Văn Dũng.
"Một cá nhân hay tổ chức muốn chứng minh tính minh bạch của việc sao kê tài khoản ngân hàng của mình thì chủ tài khoản ngân hàng có thể nhờ sự chứng kiến trực tiếp của luật sư, phóng viên báo, đài quay phim chụp hình tại quầy ngân hàng khi lấy các bản sao kê và có thể ký hợp đồng nhờ công ty kiểm toán tư nhân hoặc công ty kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam làm dịch vụ kiểm toán để soát xét các khoản thu chi", luật sư Thường phân tích.
Về phía Thủy Tiên, cô khẳng định chỉ sử dụng duy nhất 1 số tài khoản ngân hàng VCB 0181003469746 để kêu gọi cho chuyến từ thiện miền Trung, không hề có số thứ 2,3 nào khác như các thông tin bịa đặt.
"Nếu ai có bằng chứng nào gửi vào số tài khoản khác của Tiên ngoài số TK nêu trên cho đợt từ thiện miền Trung, vui lòng gửi lên đây hoặc có thể cùng Tiên ra ngân hàng VCB Nam Sài Gòn đối chứng trước tất cả mọi người", Thủy Tiên nói.
Chiều 17/9, vợ chồng Thủy Tiên - Công Vinh có mặt tại chi nhánh Vietcombank ở quận 7, TP.HCM để tiếp nhận sao kê tài khoản từ thiện miền Trung. Thủy Tiên mời luật sư Phan Vũ Tuấn (Văn phòng luật sư Phan Law Vietnam) và một số phóng viên chứng kiến sự việc. Ảnh: Mỹ Quỳnh.
Ngay sau khi buổi livestream sao kê tài khoản từ thiện của vợ chồng Công Vinh - Thủy Tiên kết thúc, CEO Phương Hằng tuyên bố: "Chủ tài khoản có thể yêu cầu ngân hàng làm sao kê theo tổng số tiền mà mình mong muốn. Bởi vậy, dữ liệu sao kê hôm nay của Thủy Tiên không có giá trị pháp lý và có thể đã bị can thiệp bởi các thủ thuật. Chỉ có công an và cán bộ thuế vào cuộc thì ngân hàng mới có quyền cung cấp toàn bộ sao kê chính xác tài khoản của Thủy Tiên đến công chúng".
Khoảng 15 giờ ngày 17/9, như thông báo trước đó, vợ chồng ca sĩ Thủy Tiên - Công Vinh đã có mặt tại trụ sở ngân hàng chi nhánh Vietcombank quận 7, TP.HCM livestream công khai sao kê số tiền cô kêu gọi quyên góp để ủng hộ miền Trung cuối năm 2020.
Có 8 thùng két chứa tài liệu sao kê của vợ chồng Công Vinh- Thủy Tiên được bảo vệ bỏ trên xe đẩy mang ra ngoài. Ảnh: Chinh Hoàng.
Thủy Tiên cho biết có 18.000 trang sao kê. Cô sao kê từ trước khi kêu gọi 5 ngày và sau khi công bố kết thúc chuyến từ thiện 3 tháng, tức từ ngày 8/10 đến ngày 24/2/2021. Ảnh: Chinh Hoàng.
Các bản sao kê đề tên chủ tài khoản Trần Thị Thủy Tiên 0181003469746, theo 3 giai đoạn: từ ngày 8/10/2020 đến ngày 12/10/2020 (trước khi kêu gọi từ thiện); từ ngày 13/10/2020 đến ngày 23/1/2021 (giai đoạn kêu gọi từ thiện); và từ ngày 24/1 đến ngày 24/2/2021 (3 tháng sau khi kêu gọi). Năm 2020, Thủy Tiên bắt đầu kêu gọi từ thiện từ ngày 13/10. "Số tiền ghi nợ là tất cả số tiền vợ chồng tôi rút ra chi cho miền Trung, là 177 tỉ 792 triệu đồng. Ảnh: Chinh Hoàng.
Còn số tiền ghi có tức là số tiền tất cả mạnh thường quân cả nước gửi vào đến ngày 23/1 là 177 tỉ 520 triệu đồng. "Chuyến từ thiện của vợ chồng tôi đi miền Trung, tổng chi theo giấy xác nhận của chính quyền địa phương là 178 tỉ 542.000 đồng. Chuyến từ thiện của vợ chồng tôi đi miền Trung, tổng chi theo giấy xác nhận của chính quyền địa phương là 178 tỉ 542.000 đồng. Nhiều người nói sau khi đi từ thiện, tài khoản của Tiên vẫn mở và có rất nhiều tiền vào thì chúng tôi đã in sao kê sau đó 3 tháng và chỉ có hơn 4,4 triệu" - Công Vinh chỉ vào sao kê và nói. Ảnh: Mỹ Quỳnh.
Thủy Tiên khẳng định cô chỉ dùng số tài khoản này để nhận quyên góp từ thiện miền Trung. Công Vinh cho biết số tiền hơn 4,4 triệu còn trong tài khoản sẽ sử dụng cho các chuyến từ thiện tiếp theo. Ảnh: Chinh Hoàng.
CSGT đến trước tiền sảnh ngân hàng chi nhánh Vietcombank quận 7, TP.HCM để nhắc nhở, tránh tụ tập đông người. Ảnh: Mỹ Quỳnh