Quảng Ngãi: Khi lợi ích của người dân bị xâm phạm
Bỏ bao công sức, tiền của đổ ra để khai hoang 40 ha đất đồi trọc để trồng keo nhưng 2 hộ dân ở huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) lại bị chính quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN) cho 3 hộ dân khác.
60 ha keo bị chặt phá ở Quảng Ngãi do bị chính quyền cấp GCN chồng lấn
Rừng kéo bị chặt phá thiệt hại khoảng 600 triệu đồng
Theo đơn phản ánh của ông Nguyễn Thiêm (SN 1965) và ông Phan Quốc Vũ (SN 1972), đều trú tại xã Phổ Khánh, huyện Đức Phổ: Thực hiện chính sách khuyến khích khai hoang đất trống, đồi trọc của nhà nước, năm 2000, gia đình 2 ông đã đến vùng đất Núi Sang, thôn Diên Trường, xã Phổ Khánh để xây dựng kinh tế mới. Sau nhiều công sức, tiền của bỏ ra, năm 2005, gia đình 2 ông đã hoàn thành việc khai hoang và trồng keo trên diện tích 40ha.
Năm 2012, lứa keo đầu tiên cho thu hoạch đã tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho lao động địa phương và giúp 2 ông trả được 1 phần nợ vay ngân hàng để đầu tư vào 40ha keo. Sau đó, các ông tiếp tục trồng lại loại cây này vì nó rất thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Đức Phổ.
Theo hướng dẫn của UBND xã Phổ Khánh, ngày 24/10/2014, hai hộ trên đã nộp đơn đăng ký cấp GCN quyền sử dụng đất gửi UBND huyện Đức Phổ. Đơn được UBND xã Phổ Khánh xác nhận ngày 16/12/2014 và Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Đức Phổ xác định là đủ điều kiện cấp GCN theo Điều 20 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ. Kèm theo đơn là đầy đủ hồ sơ, như: trích lục bản đồ địa chính; mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất; tờ khai mốc thời gian sử dụng đất và các hồ sơ khác liên quan.
“Ngày 03/04/2015, chúng tôi được UBND xã Phổ Khánh mời lên họp về việc xét duyệt đơn đề nghị cấp GCN lâm nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn. Hội đồng xét duyệt gồm tất cả các ban ngành đoàn thể thôn, xã xác định gia đình chúng tôi đủ điều kiện được cấp GCN, được UBND xã ký, đóng dấu và niêm yết công khai, đất không có tranh chấp”, ông Thiêm cho biết.
Tiếp đó, 2 ông đã nộp đầy đủ các loại thuế cho nhà nước; được Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Đức Phổ in phôi và cho xem (GCN quyền sử dụng đất số BY 261625 và GCN quyền sử dụng đất số BY 261626). Tin tưởng vào tính pháp lý và công sức bao năm khai hoang, cải tạo phát triển 40 ha keo được pháp luật bảo vệ, gia đình các ông tiếp tục đầu tư vào rừng keo.
Tuy nhiên, ngày 24/3/2017, có 30 người dân địa phương được 3 đối tượng ở xã Phổ Khánh thuê đã đến chặt phá rừng keo. Mặc dù, các ông đã ngăn cản nhưng việc chặt phá cây vẫn diễn ra và không được chính quyền địa phương can thiệp kịp thời khiến 6ha keo bị chặt phá, thiệt hại khoảng 600 triệu đồng.
Huyện mập mờ trong việc cấp GCN chồng lấn cho dân?
Sau khi 6ha keo bị chặt phá, ông Thiêm và ông Vũ đã gửi nhiều đơn thư tố cáo và đề nghị các cơ quan có thẩm quyền thu hồi GCN đã cấp sai, chồng lấn vào diện tích đất rừng các ông đang quản lý cho 3 hộ gia đình: Đường Ngọc Hải, Đường Thị Hoàng và Nguyễn Thị Thừa, đều trú tại xã Phổ Khánh.
“Việc cấp GCN chồng lấn cho 3 hộ gia đình trên là do UBND huyện Đức Phổ nhưng khi chúng tôi gửi đơn tố giác thì cơ quan này đã đùn đẩy trách nhiệm, né tránh và chuyển đơn cho cơ quan khác. Điều này dẫn đến việc tài sản và quyền lợi hợp pháp của chúng tôi bị hủy hoại, kéo dài tình trạng tranh chấp, ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương”, ông Thiêm bức xúc.
Cùng chung tâm trạng như ông Thiêm, ông Vũ bày tỏ: “Chúng tôi đề nghị xác minh, điều tra làm rõ việc chậm trễ giải quyết việc cấp GCN cho 2 hộ gia đình chúng tôi, cũng như việc cấp GCN chồng lấn lên diện tích đất rừng mà chúng tôi đang quản lý sử dụng dẫn đến một số đối tượng có hành vi đe dọa dùng vũ lực chiếm đoạt tài sản hợp pháp của gia đình chúng tôi”.
Để ổn định an ninh trật tự và tránh gây bức xúc kéo dài cho dư luận địa phương, UBND huyện Đức Phổ cần sớm kiểm tra, rà soát có hay không việc mập mờ cấp sai, chồng lấn GCN, xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của người dân. Đồng thời, những sai phạm của tập thể, cá nhân có liên quan trong vụ việc trên cần phải được làm rõ xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.