Phòng chống ma túy học đường: Đã đến lúc cả xã hội thức tỉnh

16-06-2021 09:55:28

Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an), số người sử dụng ma túy dưới 16 tuổi ngày càng gia tăng, nhất là trong độ tuổi của các em học sinh cấp 2 cấp 3. Đây là thực trạng khiến cả xã hội phải giật mình.

Sự thật đáng lo ngại

Dù Bộ Giáo dục và Đào tạo và các ngành, địa phương đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn sự lây lan của ma túy trong học đường, nhưng những năm gần đây số học sinh sử dụng ma túy ở một số trường THCS, THPT ở các địa phương vẫn có chiều hướng gia tăng… Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, độ tuổi sử dụng ma túy ngày càng trẻ hóa.

Một trong những nỗi lo lớn nhất thời gian gần đây không chỉ là người sử dụng ma túy ngày càng trẻ hóa mà số học sinh, sinh viên “dính” vào ma túy cũng ngày một nhiều hơn. Đã có nhiều lý giải khác nhau về sự mê hoặc của ma túy đối với giới trẻ như đua đòi, hoàn cảnh gia đình không tốt…

Những buổi tuyên truyền về tác hại của ma túy là vô cùng bổ ích đối với học sinh

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận là tội phạm ma túy ngày càng manh động tinh vi. Chúng có nhiều cách tiếp cận “con mồi”, cho dù đó là những nam sinh đang ngồi trên ghế nhà trường.

Những gói thuốc lá thơm, với bao bì khác nhau, bắt mắt, có nhiều mùi vị bán lén lút ở các cổng trường. Nhiều chất hướng thần được hòa vào thảo mộc và bán ra ngoài với giá rẻ, dễ mua, chỉ 50.000 đồng - 100.000 đồng/gói. Tại một ngôi trường cấp 3 tại tỉnh Lạng Sơn, một nhóm học sinh đã bán ma túy đá cho hơn 30 học sinh, trong đó chủ yếu là bạn cùng trường. Sự việc kéo dài suốt 5 năm nhưng nhà trường không phát hiện ra. Sau đó cơ quan công an điều tra, theo dõi và bắt các đối tượng.

Trước đây, hoạt động trao đổi, mua bán ma túy chủ yếu diễn ra trên mạng xã hội, tuy nhiên hiện nay, hình thức bán ma túy đa cấp cho học sinh đã xuất hiện. Cơ quan chức năng cảnh báo, trước đây có thể nhận diện ma túy qua các bình hút, bơm kim tiêm, nhưng hiện ma túy tồn tại dưới nhiều hình thức bắt mắt, có thể là hình bông hoa, son môi, trà sữa... hấp dẫn học sinh.

Vai trò của gia đình và nhà trường trong cuộc chiến chống ma túy

Không những khó giúp sức ngăn chặn con trẻ không sa đà vào ma túy, không ít trường hợp gia đình là nguyên nhân gián tiếp khiến các em tìm đến ma túy. Những gia đình phức tạp như bố mẹ ly hôn, mâu thuẫn, bố mẹ nghiện ma túy, buôn bán ma túy có tỷ lệ con mắc nghiện, vi phạm pháp luật rất cao. 

Gia đình khá giả quá nuông chiều con cái, quản lý lỏng lẻo hoặc không quan tâm đến con cái, hay đánh đập cũng là nguyên nhân dẫn đến nghiện ma túy và các tệ nạn xã hội khác. Gia đình buông lỏng quản lý, cộng với những thói hư, tật xấu rất dễ xâm nhập nên đây cũng là nguyên nhân quan trọng mà thanh thiếu niên dễ sa vào ma túy.

Về nhà trường, các em đang thiếu những “sân chơi” lành mạnh, nếu muốn giải trí các em phải tìm đến những địa điểm tự do như các quán Internet, quán bi a… mà ở đó vì lợi nhuận, hay đã có sẵn những kẻ xấu và một số kẻ không từ một thủ đoạn nào để lôi kéo các em  sa ngã đi vào con đường nghiện ma túy.

Hiện nay công tác tuyên truyền, giáo dục hậu quả, tác hại của ma túy trong các nhà trường chưa đủ mạnh và thiếu tính bền vững, chưa đến được nhiều với từng nhà trường, từng lớp học và từng học sinh, sinh viên. Tuyên truyền nặng về hình thức mà chưa gắn với hoạt động thực tế. Do vậy vẫn còn không ít học sinh, sinh viên chưa nhận thức và hiểu biết được tác hại của ma túy, nhất là các loại ma túy tổng hợp.

Trang bị cho học sinh những kiến thức cơ bản về tác hại của ma túy là rất cần thiết.

Ngoài gia đình với sự chăm sóc, kèm cặp sát sao của cha mẹ, nhà trường với sự quản lý chặt chẽ của thầy cô giáo thì học sinh, sinh viên còn chịu ảnh hưởng lớn của môi trường bạn bè. Các thầy cô, đặc biệt giáo viên chủ nhiệm lớp cần quan tâm giám sát, phát hiện các em học sinh giao du, chơi bời với những đối tượng xấu ngoài xã hội, cần phối hợp với gia đình và lực lượng công an để tăng cường quản lý.

Chúng ta phải khẳng định rằng: Công tác phòng chống ma túy vị thành niên thực sự là nhiệm vụ của cả gia đình, nhà trường và xã hội. Đã đến lúc cả xã hội thức tỉnh trước khi quá muộn. 

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ của UBQG giao. Có thể nói, đây là một kế hoạch lớn được xây dựng kịp thời,  tổng thể có hệ thống khoa học về phòng ngừa trong trường học, như: để có căn cứ xây dựng chính sách, giải pháp, hoạt động phòng ngừa cần đánh giá chính xác thực trạng phòng chống ma túy trong trường học hiện nay, cần phối hợp thí điểm tại một số địa phương xét nghiệm ma túy cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên trong trường học và khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông để có bức tranh tổng thể về tình hình sử dụng ma túy trong học sinh...

Các biện pháp phòng ngừa được tổ chức đa dạng, nhiều tầng nấc, từ tổ chức các chương trình tuyên truyền, tập huấn phòng, chống ma túy, tệ nạn xã hội cho thanh, thiếu niên, cán bộ đoàn, đội của các nhà trường trên toàn quốc đến  triển khai Bộ tài liệu Kỹ năng phòng, chống ma túy và tổ chức tập huấn cho giáo viên, phụ huynh và học sinh (một hoạt động phòng ngừa có ý nghĩa đột phá, toàn diện lần đầu được thực hiện trong trường học ở nước ta); đồng thời xây dựng và triển khai sâu rộng dự án “Cùng chung tay bảo vệ Thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy” theo hình thức xã hội hoá".

PV
Theo Giáo dục & Thời đại //