Nướng mực khô bằng cồn 90 độ, người đàn ông bị bỏng nặng
Thấy lửa tắt nên người đàn ông dùng chai cồn 90 độ mua ở hiệu thuốc tây đổ trực tiếp vào đĩa để nướng mực. Tuy nhiên, ngọn lửa bùng mạnh lên khiến người này bị bỏng nặng.
Người đàn ông bị bỏng nặng do dùng cồn 90 độ nướng mực. Ảnh minh họa
Ngày 28/10, thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, đơn vị này vừa tiếp nhận cấp cứu cho anh L.M.C. (40 tuổi, Hà Nội) bị bỏng nặng do sử dụng cồn 90 độ để nướng mực.
Người nhà bệnh nhân cho hay, khi đang nướng mực khô để nhắm rượu, thấy lửa tắt nên dùng chai cồn 90 độ mua ở hiệu thuốc tây đổ trực tiếp vào đĩa nướng mực. Tuy nhiên, ngọn lửa bùng lên quá mạnh đã khiến anh C. bị bỏng nặng. Anh C. nhanh chóng được người nhà đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Tại bệnh viện, sau khi thăm khám, bệnh nhi được chẩn đoán tổn thương bỏng khá rộng và sâu. Diện tích bỏng ước tính khoảng 20% ở nhiều vùng trên 2 tay, 2 chân và trên người. Các tổn thương bỏng độ II, độ III và có cả tổ chức hoại tử.
Các bác sĩ cho bệnh nhi sử dụng kháng sinh toàn thân, đồng thời thường xuyên rửa vết thương và dùng thuốc bôi để sạch vết thương và kích thích liền thương. Hiện tại, tình trạng bệnh nhân đã tương đối ổn định. Dự kiến, bệnh nhân sẽ được xuất viện sau 2-3 tuần nữa nếu diễn tiến tốt.
Trao đổi với Dân trí, bác sĩ Nguyễn Nam Giang – Trưởng khoa Bỏng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho hay, hàng năm cơ sở y tế này tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân bị bỏng do nướng đồ khô bằng cồn.
Theo bác sĩ Giang, các ca bỏng cồn mà bệnh viện tiếp nhận đều sử dụng loại cồn 90 độ đóng chai. Các loại cồn khô, cồn thạch nấu bằng bếp cháy không mạnh, không bị bùng lên nên hiếm khi gây tai nạn bỏng.
Lửa cồn là ánh sáng xanh nên nhiều khi dưới ánh nắng, bệnh nhân không nhìn thấy ngọn lửa, cứ nghĩ rằng lửa đã tắt nên dùng cồn đổ trực tiếp vào, khiến ngọn lửa bùng lên mạnh gây bỏng.
BS Giang khuyến cáo, khi sử dụng cồn để nướng đồ khô, để đảm bảo an toàn, người dân cần lưu ý không châm thêm cồn khi lửa đang cháy, mà phải chờ đến khi ngọn lửa tắt hẳn thì mới đổ cồn và bật lửa nướng lần hai.
Trong trường hợp bị bỏng, trước hết cần nhanh chóng tách nạn nhân ra khỏi tác nhân gây bỏng; tiếp đó, cắt bỏ quần áo ở vùng vết thương bị bỏng; rồi ngâm vùng bị thương trong nước mát 15-20 phút; sau đó nhanh chóng đưa nạn nhân đến ngay trung tâm y tế gần nhất.
Bác sĩ Giang nhấn mạnh, người dân tuyệt đối không được làm theo các mẹo chữa bỏng được lan truyền trên mạng như bôi nước mắm, kem đánh răng vào vết bỏng vì sẽ khiến tổn thương nặng thêm.