Những vụ án thuốc giả gây chấn động thế giới

01-09-2017 20:44:08

Dùng mọi thủ đoạn để tuồn thuốc giả ra thị trường, trục lợi trên nỗi đau người khác, những kẻ chủ mưu những vụ án thuốc giả gây chấn động dư luận thế giới phải trả giá đắt.

Tịnh Tiêu Du đứng sau ​đường dây sản xuất và tiêu thụ thuốc giả gây ra nhiều bê bối, làm chết nhiều người khiến dư luận Trung Quốc phẫn nộ.

Cục trưởng Quản lý Dược và Thực phẩm Trung Quốc bị tử hình vì thuốc giả

Cách đây 10 năm, dư luận Trung Quốc đã từng chấn động trước phiên tòa xét xử vụ án Cục trưởng Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Quốc gia (Trung Quốc) Trịnh Tiêu Du với tội danh nhận hối lộ và không làm tròn chức vụ.

Theo báo chí nước này, kể từ khi nhận chức Cục trưởng, Trịnh Tiêu Du đã triển khai thực hiện chương trình chứng nhận đạt tiêu chuẩn GMP mà thực chất là "công trình hình tượng" để ép các xí nghiệp dược bỏ tiền ra mới có giấy phép. Trịnh Tiên Du cũng bí mật hạ thấp tiêu chuẩn kiểm duyệt dược phẩm, báo cáo sai số liệu thống kê.

Kết quả điều tra 45 công ty có nhãn mác "chất lượng" do Trịnh Tiêu Du phê duyệt đã phát hiện 137 loại thuốc có sử dụng tài liệu giả để xin cấp phép sản xuất, trong đó có 6 loại dược phẩm giả.

Tháng 4/2006, sau sự kiện thuốc Armillarisin bị làm giả tràn lan, đường dây làm thuốc giả của công ty TNHH dược phẩm số II Tề Tề Cáp Nhĩ Tân do Trịnh Tiêu Du đứng sau đã bị phát giác.Chỉ 4 tháng sau đó, vào tháng 8/2006, vụ bê bối làm giả thuốc do công ty TNHH dược sinh vật An Huy Hoa Nguyên cũng do Trịnh Tiêu Du đứng sau tiếp tục bị vạch trần.

Theo những số liệu công khai từ báo chí Trung Quốc, đã có 10 người chết và nhiều bệnh nhân bị suy kiệt thận vì dùng phải thuốc giả. Ngày 10/7/2007, Trịnh Tiêu Du chính thức bị thi hành án tử hình ở tuổi 63. 

Công nhân tại nhiều xưởng ở Pakistan nghiền vữa và trộn chúng với vài chất độc trước khi đổ vào chai, viên nang để tuồn vào các hiệu thuốc.

Pakistan: 100 người chết vì thuốc giả

Năm 2012, một loại thuốc điều trị lao kém chất lượng đã khiến 100 bệnh nhân tại một bệnh viện ở Lahore, Pakistan thiệt mạng, châm ngòi cho làn sóng phản đối giận dữ của người dân địa phương. 

Thủ hiến bang Punjab Shahbaz Sharif cho biết đa số bệnh nhân là những người nghèo, được Viện Tim Punjap cấp phát thuốc miễn phí. Các nhà điều tra nghi ngờ một số toa thuốc có chứa kim loại độc dẫn đến các triệu chứng như chảy máu nhiều. Ngay lập tức, chủ sở hữu 3 công ty dược phẩm địa phương nghi ngờ cung cấp thuốc giả đã bị bắt. Các mẫu thuốc được đưa đi kiểm tra tại phòng thí nghiệm ở Pakistan, Anh và Pháp.

Ước tính có khoảng 40.000 người đã được cấp thuốc điều trị tim mạch chứa tạp chất này.

Cảnh sát đang tiêu hủy hàng nghìn hộp thuốc giả ở Bắc Kinh (Trung Quốc).

Tiêu hủy thuốc trị sốt rét giả ở Myanmar

Tháng 2/2005, một thanh niên 23 tuổi người Myanmar tới bệnh viện với triệu chứng sốt, buồn nôn, ớn lạnh và đau đầu nghiêm trọng. Các bác sĩ chẩn đoán anh này bị sốt rét và kê đơn artesunate, một loại thuốc chống sốt rét rẻ tiền mà các bệnh viện ở Myanmar thường dùng để điều trị căn bệnh này, theo Newsweek.

Thông thường, các triệu chứng của bệnh nhân sốt rét sẽ giảm sau vài ngày uống thuốc, nhưng thanh niên này lại càng bị nặng hơn. Anh rơi vào hôn mê, có triệu chứng suy thận và mật độ ký sinh trùng sốt rét trong máu tăng lên. Các bác sĩ tiêm liều artesunate mạnh hơn, nhưng đã quá muộn. Ký sinh trùng đã lan lên não và bệnh nhân tử vong.

Các điều tra viên sau đó đã bị sốc khi phát hiện ra rằng loại thuốc artesunate mà các bác sĩ kê cho bệnh nhân này chỉ có 20% hoạt chất cần thiết để tiêu diệt ký sinh trùng. Nói cách khác, loại thuốc này là giả.

Thông tin về thuốc trị sốt rét giả nhanh chóng lan nhanh, khiến các lãnh đạo địa phương vô cùng tức giận, họ quyết định thu gom artesunate từ các bệnh viện, quầy thuốc và tổ chức thiêu hủy công khai.

Thanh Hà (TH)
Theo Đời sống Plus/GĐVN //