Những điểm lạ của dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm vừa khiến 50 người chết
Chuyên gia Bệnh viện Bạch Mai nói dịch sốt xuất huyết năm nay có một số bất thường như người già mắc nhiều hơn, nhiều bệnh nhân có biểu hiện nặng như sốc, chảy máu nặng, tổn thương nội tạng...
Ông Phạm Hùng, Trưởng Phòng kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết 10 tháng đầu năm 2019, cả nước ghi nhận hơn 200.000 người mắc sốt xuất huyết (SXH), gấp 3 lần năm ngoái.
Đã có ít nhất 50 người tử vong vì sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay, tăng gấp gần 5 lần cùng kỳ năm 2018.
Nhiều điểm lạ dịch sốt xuất huyết năm 2019
PGS.TS Đỗ Duy Cường – Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết so với vụ dịch SXH năm 2017 ở Hà Nội (đỉnh điểm là tháng 8), năm nay SXH xảy ra muộn hơn, số lượng không nhiều bằng.
So với năm 2018, SXH năm nay tăng đột biến, đặc biệt từ tháng 8 và tăng cao điểm vào tháng 10, tháng 11 do thời tiết thay đổi chuyển mùa và mưa nhiều thuận lợi cho muỗi phát triển.
Kiểm tra vết ban sốt xuất huyết cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: Võ Thu
Từ tháng 10 đến nay, mỗi ngày, tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai có trung bình 10-20 ca nặng nhập viện, số ca khám điều trị ngoại trú từ 30-50 ca/ngày.
Nhiều bệnh nhân phải nhập viện vì có biểu hiện nặng như xuất huyết nội tạng, sốc, có các bệnh nền phối hợp hoặc cơ địa đặc biệt như người già, phụ nữ có thai.
Theo BS Cường, SXH tại Hà Nội năm nay có một số điểm cần lưu ý như dịch tập trung lúc đầu ở khu vực ngoại thành như Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín, Phú Xuyên, … sau đó lan sang các quận nội thành như Cầu Giấy, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Đống Đa,…
Đặc biệt, PGS.TS Đỗ Duy Cường nói dịch năm nay có một số bất thường như tỉ lệ người già mắc nhiều hơn, nhiều bệnh nhân có biểu hiện nặng như sốc, chảy máu nặng, tổn thương nội tạng như: Viêm não- màng não, viêm tủy, viêm cơ tim, tổn thương gan, thận, sảy thai hoặc thai lưu trên phụ nữ có thai.
"Điều này đòi hỏi phải hết sức lưu ý trong thời gian tới khi tháng 11 được coi là đỉnh điểm của vụ dịch và nhiều các bệnh nhân nặng biến chứng hay xảy ra" - BS Cường nhấn mạnh.
Bình xịt muỗi gia đình có giúp bạn tránh được bệnh?
BS Phạm Hùng, cho hay, phun hóa chất là một trong các biện pháp để kiểm soát dịch sốt xuất huyết, diệt muỗi trưởng thành truyền bệnh tức thì khi có ổ dịch tránh lây lan bùng phát dịch bệnh. Sử dụng bình xịt muỗi tại gia đình chỉ là biện pháp diệt muỗi tạm thời trong phạm vi rất nhỏ.
Phun hóa chất là một trong các biện pháp để kiểm soát dịch sốt xuất huyết
Để phòng bệnh sốt xuất huyết cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:
- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
- Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu hoặc hóa chất diệt ấu trùng vào bát nước kê chân chạn.
- Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
- Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
- Khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.